Ẩm thực đường phố vào nhà hàng

Với tổng giá trị ước đạt 47.000 tỷ đồng trong năm 2016, thị trường ẩm thực đường phố đang rất tiềm năng để nhiều doanh nghiệp đầu tư khai thác.
Ẩm thực đường phố vào nhà hàng

Vào cửa hàng

Các món ăn lâu nay bán nhiều ở vỉa hè hay trên các xe đẩy như bì cuốn, gỏi cuốn, bò bía, bánh tráng trộn, bắp xào, bánh mì... hiện đã được một số doanh nghiệp đưa vào nhà hàng. Trong kênh bán hàng này, có các thương hiệu như Five Star Chicken, bánh mì que 1 phút 30 giây, CafenGothe Doner, Kebab... Không chỉ thế, vài năm trở lại đây, thức ăn đường phố đã được các nhà bán lẻ như 7-Eleven, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Saigon Co.op đưa vào chuỗi cửa hàng tiện lợi.

Những thương hiệu khác như Ministop, Family Mart, Circle K... cũng phục vụ các món mì xào, thực phẩm chiên, bánh bao, bánh giò, kem tươi, bánh mì sandwich... Xu hướng này đang lan tỏa nhanh và phát triển ngày càng rộng, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng thận trọng hơn khi ăn uống tại quán ăn vỉa hè.

Bán thức ăn kèm với các sản phẩm tiện dụng khác đang được xem là biện pháp kích cầu khá thành công của những nhà bán lẻ. Trong ngày khai trương giữa năm 2017, 7-Eleven đã thu hút sự quan tâm của khách hàng khi tung ra đến hơn 100 món ăn tươi dành cho sáng, trưa, khuya. Trong đó phải kể đến các món ăn vặt mà người Việt rất thích như xôi, chè, gỏi cuốn, hột vịt lộn xào me...

Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food - đơn vị cung cấp phân nửa các món ăn (bì cuốn, gỏi cuốn, bò bía, bánh tráng trộn, bắp xào...) cho 7-Eleven cho biết, sức tiêu thụ thực phẩm tươi tại hệ thống này đang tăng. 7-Eleven hiện có 12 cửa hàng và những cửa hàng có mặt bằng rộng, doanh thu từ các món thức ăn đường phố khá tốt.

Từ 50 món ban đầu trong ngày khai trương, hiện tại Sài Gòn Food cung cấp đến 70 món ăn tươi (từ thức ăn vặt cho đến thức ăn văn phòng) cho 7-Eleven. "Do thói quen tiêu dùng của người Việt là thích ăn tại chỗ, vì thế những cửa hàng nào của 7-Eleven có nơi để ngồi ăn thì bán rất tốt", bà Lâm cho biết.

Cũng như các cửa hàng 7-Eleven, cửa hàng Satrafoods gần Trường tiểu học Trần Nhân Tôn của Satra ở quận 10, TP.HCM thu hút học sinh vào giờ tan học bởi các món xúc xích, trà sữa, bò bía, cơm chiên Dương Châu. Đây là một trong những cửa hàng tiện lợi Satrafoods bán các món ăn đường phố được Satra đầu tư để thu hút khách hàng trong thời gian gần đây. Tháng 12/2017, Satra còn mở nhà hàng kinh doanh thức ăn đường phố mang tên Hẻm 12 trên đường Nguyễn Huệ, quận 1 với sức chứa từ 160 - 180 người.

Nhà hàng bán các món ăn đường phố như cơm tấm, bánh mì hấp mỡ hành, gỏi cuốn, bò bía, bánh bèo, bánh cuốn, cháo lòng, phá lấu bò, bánh mì xíu mại, các loại chè như chè thưng, chè bà ba, chè đậu trắng, chè bắp, chè chuối chưng, chè bưởi, chè hạt sen, chè thập cẩm, cà phê vợt. Nhà hàng Hẻm 12 tập hợp nhiều thương hiệu, món ăn đường phố nổi tiếng thông qua các hình thức hợp tác, nhượng quyền như phở Tư Đạt (phở gia truyền gốc Nam Định nổi tiếng ở Hà Nội), Bé Chè (có từ năm 1968 ở chợ Bến Thành).

Tiềm năng được khai phá

Lý giải về việc đưa món ăn đường phố vào kinh doanh, đại diện Satra cho rằng, đây là xu hướng tất yếu khi các doanh nghiệp hướng đến phân khúc khách hàng trẻ. Việc này cũng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong ngành bán lẻ. Các cửa hàng Satrafoods không thuần túy là chuỗi cửa hàng tiện lợi nữa mà còn là nơi cung cấp thức ăn nhanh, những bữa ăn tiện ích cho khách hàng. Mô hình này sẽ được Satra tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, việc đưa các món ăn đường phố vào nhà hàng, cửa hàng tiện lợi là do nhu cầu về thức ăn vặt đảm bảo vệ sinh được người tiêu dùng quan tâm. Vì thế, khi cung cấp các món ăn tươi hay các món ăn vặt như bò bía, bắp xào tép, bánh tráng trộn... cho các nhà bán lẻ, Sài Gòn Food tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Các món ăn đường phố khi đưa vào hệ thống chuỗi cửa hàng tiện ích có giá cao hơn so với quán ăn hè phố nhưng bù lại đảm bảo chất lượng, khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc.

Chia sẻ với báo giới hồi cuối năm 2017, chuyên gia nhượng quyền thương hiệu Nguyễn Phi Vân dẫn nghiên cứu từ Euromonitor cho biết, tổng giá trị thị trường ẩm thực đường phố tại Việt Nam năm 2016 khoảng 47.000 tỷ đồng. Tính đến cuối năm này, Việt Nam có khoảng 149.000 điểm bán thức ăn đường phố nhưng những chuỗi thức ăn đường phố có thương hiệu chỉ chiếm 0,59% - một tỷ lệ rất nhỏ so với nhiều vùng lãnh thổ và các nước châu Á khác. Chẳng hạn như tại Đài Loan, tỷ lệ này là 30%, Philippines là 21%, Singapore là 10%, Hong Kong là 5%.

Nhận thấy về tiềm năng của thị trường, trước khi cung cấp hàng cho 7-Eleven, Sài Gòn Food đã đầu tư thêm nhà xưởng với diện tích 10.000m2, kho lạnh 3.000 tấn để sản xuất 100.000 suất ăn tươi mỗi ngày. Trong nhà máy này có một dây chuyền sản xuất riêng cho 7-Eleven. Sài Gòn Food còn cung cấp khoảng 100 món ăn công sở cho một số doanh nghiệp, trong đó có khoảng 2.000 suất ăn mỗi ngày cho PNJ. Hiện tại, Công ty đang hướng đến việc cung cấp suất ăn cho một số trường học, bệnh viện.

Đánh giá về hiệu quả hợp tác với 7-Eleven, bà Lâm cho biết: "Hiện tại, vẫn chưa thể nói nhiều đến lợi nhuận và chúng tôi đang hướng đến doanh thu của 3 - 5 năm nữa. Hiệu quả kinh doanh sẽ tăng cao khi 7-Eleven ngày càng có nhiều cửa hàng".

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Có thể bạn quan tâm

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Black Friday là gì và tại sao người tiêu dùng lại “mê” ngày lễ mua sắm này đến vậy?

Black Friday là gì và tại sao người tiêu dùng lại “mê” ngày lễ mua sắm này đến vậy?

Black Friday, thường diễn ra vào ngày thứ Sáu sau Lễ Tạ Ơn tại Mỹ, là khởi đầu cho mùa mua sắm cuối năm ở nhiều quốc gia. Ngày này được biết đến với những đợt giảm giá lớn và ưu đãi hấp dẫn tại các cửa hàng và trang thương mại điện tử, thu hút hàng triệu người mua sắm trên toàn cầu…