An Gia Group: Nợ phải trả tăng cao, dính vi phạm lĩnh vực chứng khoán, thuế

Ngoài khối nợ 9.375 tỷ đồng, cao gần gấp 4 lần vốn chủ sở hữu, An Gia Group vừa còn bị phạt vi phạm lĩnh vực chứng khoán và thuế.

Liên tục dính án phạt hành chính

Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định số 310/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (An Gia Group, mã CK: AGG). Đơn vị này bị phạt 85 triệu đồng do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

Theo đó, An Gia Group không công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HSX) công văn giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh năm 2020 so với năm 2019.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng công bố thông tin không đúng thời hạn báo cáo kết quả phát hành (lập ngày 12/1/2021) về việc thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động).

Cách đây không lâu, hồi tháng 5/2021, Chi cục Thuế quận 3 (TP HCM) đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với An Gia Group. Qua thanh tra thuế giai đoạn 2019-2020, cơ quan thuế phát hiện An Gia Group có hành vi khai sai thuế giá trị gia tăng dẫn tới thiếu số tiền thuế phải nộp và khai sai thuế thu nhập doanh nghiệp.

Với các hành vi trên, An Gia Group bị phạt hành chính 49,2 triệu đồng. Đồng thời, công ty bị truy thu 246,4 triệu đồng và tiền chậm nộp là 12,4 triệu đồng.

Nợ của An Gia Group tăng, cao gấp 4 lần vốn chủ sở hữu
Nợ của An Gia Group tăng, cao gấp 4 lần vốn chủ sở hữu

Nợ tăng, cao gấp 4 lần vốn chủ sở hữu

Theo tìm hiểu, An Gia Group có trụ sở tại 30 Nguyễn Thị Diệu, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, do ông Nguyễn Bá Sáng là người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty.

An Gia Group là doanh nghiệp bất động sản có tiếng tại TP HCM với loạt dự án khu căn hộ Westgate và BC27 ở huyện Bình Chánh, Sky89 và The Signial ở Quận 7. Bên cạnh đó, dự án River Panorama của công ty đã hoàn thiện và đang bàn giao.

Trong năm 2021, An Gia Group thông qua mục tiêu doanh thu thuần tăng gấp đôi so với năm trước, đạt 3.600 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế năm nay dự kiến đạt 500 tỷ đồng, tăng so với mức 417 tỷ đồng của năm 2020.

Kết thúc 9 tháng năm 2021, An Gia Group ghi nhận doanh thu thuần tăng hơn 9 lần cùng kỳ lên mức 687 tỷ đồng, song các chi phí gia tăng mạnh khiến công ty chỉ báo lãi ròng còn 205 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với 2020.

Như vậy, so với kế hoạch đề ra, An Gia Group mới chỉ thực hiện được 19% kế hoạch doanh thu và 41% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Tính tại thời điểm cuối tháng 9/2021, tổng tài sản của An Gia Group ghi nhận xấp xỉ 11.830 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho đã chiếm tới 7.221 tỷ đồng, tương ứng 61% cơ cấu tài sản và tăng khoảng 30% so với đầu năm; các khoản phải thu ngắn hạn cũng đã chiếm tới 2.130 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy, tài sản của công ty chủ yếu là hàng tồn kho và khoản phải thu ngắn hạn.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, tỷ trọng hàng tồn kho lớn luôn là mối quan ngại ít nhiều với nhà đầu tư, do tính chất tồn lâu, chôn vốn, chi phí phát sinh.

Mặt khác, lượng hàng tồn kho bất động sản tăng lên sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Hàng tồn kho nằm trong nhóm dự án vướng mắc về pháp lý, bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay ngày càng lớn cho doanh nghiệp.

Cũng tại thời điểm ngày 30/9/2021, nợ phải trả của An Gia Group gần 9.378 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm; trong đó, dư nợ vay ngắn và dài hạn chiếm gần 2.348 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 2.453 tỷ đồng, như vậy nợ phải trả đã cao gấp 3,8 lần so với vốn chủ sở hữu.

Việc nợ phải trả cao gấp gần 4 vốn chủ sở hữu có nghĩa nguồn vốn của công ty hầu như là các khoản nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp rủi ro trong việc trả nợ càng lớn.

Nợ và vốn chủ sở hữu là hai nguồn vốn cơ bản để tài trợ vốn cho hoạt động của một doanh nghiệp. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và làm thế nào họ có thể chi trả cho các hoạt động.

Mặc dù việc sử dụng nợ cũng có ưu điểm, đó là chi phí lãi vay sẽ được trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng về lâu dài, doanh nghiệp vay nợ sẽ bị rủi ro về lãi suất, tỷ giá (nếu vay ngoại tệ) và lạm phát.

Về rủi ro kinh doanh, doanh nghiệp sẽ chịu sự biến động của nguyên liệu đầu vào cùng giá bán đầu ra. Do đó, doanh nghiệp phải cân nhắc giữa rủi ro về tài chính và ưu điểm của vay nợ để đảm bảo tỷ lệ hợp lý nhất.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chấp nhận sử dụng đòn bẩy cao để đổi lấy mức lợi nhuận không tương xứng trong bối cảnh các ngành nghề kinh doanh khó khăn và ban lãnh đạo chỉ giỏi phân bổ vốn trong rất ít ngành nghề, không lường trước rủi ro sụt giảm.

Xem thêm

Cổ phiếu TDH bị cắt margin vì vi phạm thuế

Cổ phiếu TDH bị cắt margin vì vi phạm thuế

Nhiều công ty chứng khoán bất ngờ thông báo cắt tỷ lệ margin cổ phiếu TDH của Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (mã: TDH) từ 50% xuống 0% do công ty này vi phạm nợ thuế.

Có thể bạn quan tâm

Tân CEO toàn cầu của Hyundai, ông Jose Munoz tại buổi ra mắt mẫu IONIQ 9 ở California (Mỹ)

Hyundai trình làng mẫu IONIQ 9 hoàn toàn mới

Hyundai Motor vừa ra mắt mẫu SUV điện ba hàng ghế IONIQ 9, nhắm đến phân khúc xe gia đình cỡ lớn với tiềm năng lợi nhuận cao trong tương lai. Với phạm vi hoạt động vượt trội và khả năng sạc nhanh, mẫu xe này dự kiến sẽ cạnh tranh mạnh mẽ tại thị trường Mỹ và Hàn Quốc từ đầu năm sau…

Tuần này, giá xăng tiếp tục giảm

Giá xăng, dầu tiếp tục giảm

Trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng tiếp tục giảm lần thứ 2 liên tiếp. Giá mới được áp dụng từ 15h ngày 21/11...