An ninh tài chính trên TTCK: Những khuyến nghị từ các chuyên gia

Việc đảm bảo an ninh tài chính (ANTC) trên thị trường chứng khoán (TTCK) tại Việt Nam cần dựa trên hai căn cứ cơ bản, đó là mục tiêu và định hướng phát triển phát triển.

Bàn về những giải pháp để đảm bảo an ninh tài chính trên TTCK, TS. Đào Duy Thuần - Học viện Tài chính cho rằng điều tiên quyết chúng ta phải đảm bảo TTCK hoạt động hiệu quả, ổn định. Cụ thể, giá cả được hình thành trên thị trường phải là giá cân bằng giữa cung và cầu. Quan trọng nhất là phải thiết lập được một cơ chế giao dịch nhạy bén có khả năng xác định giá cả thị trường một cách chính xác.

Cơ chế và thủ tục giao dịch chứng khoán phải được tiêu chuẩn hóa. Đồng thời phải đảm bảo được tính thanh khoản cao. Chi phí giao dịch trên TTCK phải được tối thiểu hóa, tiết kiệm về mặt chi phí; đảm bảo những lợi ích thu được từ đầu tư chứng khoán không bị chi phí giao dịch ăn mòn.

Muốn chặn được tiêu cực trên TTCK chúng ta phải điều hành công bằng, minh bạch, rõ ràng...
Muốn chặn được tiêu cực trên TTCK chúng ta phải điều hành công bằng, minh bạch, rõ ràng...

Vẫn theo TS. Đào Duy Thuần vấn đề tiếp theo là phải điều hành TTCK công bằng, minh bạch, rõ ràng, đảm bảo sự bình đẳng giữa những người tham gia vào thị trường.

Theo đó, các cơ quan điều hành TTCK phải xác lập các quy chế đảm bảo sự cạnh tranh, tự do, bình đẳng trên thị trường. Bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư bằng cách duy trì thị trường hoạt động lành mạnh, chống trường hợp lũng đoạn thị trường, bóp méo giá, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Kiến nghị về giải pháp khác, theo TS. Nhâm Thị Hồng Nhung - Học viện Tài chính cần tăng cường quản trị rủi ro thanh khoản trên TTCK. Muốn làm được điều đó, Chính phủ Việt Nam cần có một cơ chế giao dịch đảm bảo thông suốt, thành lập các tổ chức tài trợ chứng khoán hỗ trợ thị trường nhằm ngăn rủi ro mất khả năng thanh khoản.

Song song đó, cần có các công cụ nhằm thực hiện ổn định giá cả TTCK như thông qua hoạt động các công ty hỗ trợ thị trường và đưa ra các giới hạn về thay đổi giá trong ngày tại sở giao dịch. Đảm bảo tính vững mạnh của nền kinh tế vĩ mô. Các nhân tố kinh tế vĩ mô tác động nhiều lên chỉ giá chứng khoán, chỉ khi kinh tế phát triển, lạm phát được kiềm chế, giá trị đồng nội tệ và mức lãi suất ổn định mang lại kết quả tích cực kinh doanh cho các doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy giá cổ phiếu, làm tăng khả năng thanh khoản cuả TTCK. Đồng thời, xây dựng cho các nhà đầu tư cái nhìn lạc quan, lòng tin tưởng vào khả năng thanh khoản và khả năng sinh lời trên TTCK.

Một vấn đề mang tính quyết định được TS. Nhâm Thị Hồng Nhung đề cập là phải xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi về chứng khoán, am hiểu thị trường để làm công tác quản lý thị trường, tổ chức thị trường, … Đồng thời, phải thu hút một bộ phận đông đảo các nhà đầu tư có hiểu biết về chứng khoán và sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tham gia vào TTCK.

Tiếp tục thực hiện mở cửa và hội nhập TTCK, bằng cách khai thác tối đa nguồn vốn đầu tư nước ngoài tham gia thị trường. Chủ động ứng dụng thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực chứng khoán, hướng tới xây dựng hệ thống tài chính số trong lĩnh vực chứng khoán, TS. Nhâm Thị Hồng Nhung nói.

Để đảm bảo ANTC chúng ta cần tăng cường quản trị rủi ro thanh khoản trên TTCK
Để đảm bảo ANTC chúng ta cần tăng cường quản trị rủi ro thanh khoản trên TTCK

Trong điều kiện nước ta hiện nay, cần bổ sung, rút kinh nghiệm đảm bảo linh hoạt cho các quy định pháp luật. Tăng cường các biện pháp ổn định TTCK. Phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới cần lưu ý nguyên tắc là kiểm soát, hạn chế các yếu tố tiêu cực, rủi ro hệ thống, song không bóp nghẹt sự phát triển năng động của thị trường, tránh hiệu ứng tiêu cực, dây chuyền do các nhà phát hành, nhà đầu tư lo ngại, hoảng sợ vì sự siết chặt kỷ luật thị trường, TS. Nhâm Thị Hồng Nhung khuyến nghị.

Với sự gia tăng số hóa nhanh chóng, lĩnh vực dịch vụ tài chính đã bị cuốn vào một làn sóng thay đổi. Trong tương lai, các dịch vụ tài chính sẽ được chuyển đổi hoàn toàn, đòi hỏi các cơ quan quản lý cũng như các bên tham gia phải thực hiện các bước quan trọng để đảm bảo kết quả tích cực của quá trình chuyển đổi. Nếu không được kiểm soát, tác động của những lực lượng này đối với sự lựa chọn của khách hàng, phạm vi nhà cung cấp và mức độ rủi ro trong hệ thống sẽ rất lớn, dẫn đến hệ lụy tiêu cực cho TTCK nói riêng hay tổng thể hệ thống tài chính.

Trước xu thế đó, ANTC trên TTCK cần phải đảm bảo tăng trưởng cả về quy mô và chất lượng hoạt động. Tăng trưởng về quy mô bao gồm sự gia tăng về vốn, về tài sản, về doanh thu hoạt động và về lợi nhuận. Chất lượng hoạt động thể hiện ở cơ cấu nguồn vốn, cơ cấu tài sản phù hợp, đảm bảo thanh khoản, khả năng sinh lời cao và ổn định góp phần đáp ứng và nâng cao chỉ tiêu ANTC, phù hợp với mục tiêu phát triển TTCK giai đoạn tiếp theo.

Có thể bạn quan tâm