Ông Nguyễn Xuân Tùng (thứ ba từ trái sang, hàng đầu tiên) trong một sự kiện ngày 27/12/2018
Tân tổng giám đốc của Công ty TNHH An Quý Hưng sinh ngày 17/2/1994, thường trú tại Khu đô thị mới Văn Quán – Yên Phúc, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội.
Trước đó, ông Nguyễn Xuân Tùng cũng đã được giới thiệu là Quyền Tổng giám đốc tại Lễ khởi công dự án “Đầu tư xây dựng Khu nhà ở Thượng Thanh”, tên thương mại là : AQH REVERSIDE (Long Biên, Hà Nội).
An Quý Hưng được biết đến chủ yếu qua thương vụ mua lại 255 triệu cổ phiếu VCG của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), tương ứng tỷ lệ sở hữu 57,71%, trị giá 7.366 tỷ đồng cuối năm ngoái.
Tại thời điểm đăng ký tham gia đấu giá, quy mô vốn điều lệ của An Quý Hưng chỉ ở mức 500 tỷ đồng, bao gồm 2 nhà đầu tư là: ông Nguyễn Xuân Đông (chiếm 78,4%) và bà Đỗ Thị Thanh (chiếm 21,6% vốn). Quy mô tổng tài sản (tính đến ngày 31/12/2017) đạt gần 1.000 tỷ đồng, trong đó chiếm 55% là tài sản ngắn hạn.
Với quy mô tài sản có phần khiêm tốn, một số ý kiến cho rằng An Quý Hưng đang đóng vai trò đại diện thay cho các “nhóm” nhà đầu tư bất động sản giàu tiềm lực.
Trên thị trường tài chính đã có nhiều đồn đoán cho rằng, ông Nguyễn Xuân Tùng nhiều khả năng là con trai của ông Nguyễn Xuân Đông bởi địa chỉ thường trú của ông Tùng có nhiều nét tương đồng với địa chỉ mà ông Nguyễn Xuân Đông khai báo trước đó.
Mặt khác, báo cáo tình hình quản trị doanh nghiệp năm 2018 của Vinaconex cho biết ông Nguyễn Xuân Đông có 4 người con (2 nam, 2 nữ). Trong đó, báo cáo ghi nhận ông Đông cũng có một người con trai tên là Nguyễn Xuân Tùng.
Việc chuyển giao quyền lực của An Quý Hưng diễn ra trong bối cảnh nội bộ Vinaconex đang xảy ra xung đột gay gắt.
Vinaconex mới đây đã có đơn khiếu nại đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2019/QĐ-BPKCTT ngày ngày 27/3/2019 của Tòa án nhân dân quận Đống Đa. Vinaconex cho rằng, quyết định này của tòa có hiệu lực ngay và lập tức đình chỉ toàn bộ hoạt động của HĐQT, BKS của Vinaconex, làm đình trệ hoạt động của Công ty, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế. Công ty đã lấy dẫn chứng về việc giảm giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán với số tiền mất đi là 1.236 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quyết định trả lời khiếu nại của Vinaconex, TAND quận Đống Đa cho rằng việc buộc Vinaconex dừng thực hiện nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 11/1/2019 cho đến khi có quyết định cuối cùng của Tòa là phù hợp với quy định của pháp luật và cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của người yêu cầu và các cổ đông của Vinaconex và để tránh các hậu quả có thể xảy ra gây thiệt hại cho Vinaconex và các cổ đông.
Căn cứ nhận định này, một lần nữa tòa xác định việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2019/QĐ-BPKCTT ngày ngày 27/3/2019, dừng thực hiện Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Vinaconex ngày 11/1/2019 về việc bầu 7 thành viên HĐQT và 5 thành viên Ban kiểm soát là có căn cứ pháp luật. Từ đó, TAND quận Đống Đa đã bác đơn khiếu nại của Vinaconex.
Với diễn biến này, HĐQT và Ban kiểm soát mới được bầu ngày 11/1/2019, với các thành viên chủ yếu là người của nhóm cổ đông An Quý Hưng sẽ phải dừng thực hiện quyền lực của mình tại Vinaconex.