Trước đó, ngày 22/2, Bộ Công Thương đã có Văn bản 1402 hướng dẫn thực hiện giá bán điện cho khách hàng sử dụng điện có hệ thống máy tính xử lý dữ liệu tự động để phục vụ cho hoạt động giải mã, khai thác đồng tiền ảo như bitcoin, litecoin, ethereum và một số đồng tiền ảo tương tự khác.
Trên cơ sở tham khảo ý kiến Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương xác định hoạt động giải mã, khai thác đồng tiền ảo thông qua phần mềm đã được lập trình sẵn trên hệ thống máy tính xử lý dữ liệu tự động mang tính chất làm dịch vụ thông qua việc giải thuật toán để xác minh giao dịch mua bán trên mạng.
Vì vậy, Bộ Công Thương yêu cầu áp dụng giá bán điện mục đích kinh doanh cho hoạt động thay vì áp giá bán điện theo mục đích sản xuất hay sinh hoạt như đăng ký của những người "đào" tiền ảo.
Theo Tổng Công ty Điện lực TP HCM, thời gian qua, khách hàng đăng ký mua điện giá sản xuất (với giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là sản xuất phần mềm tin học) nhưng thực tế sử dụng điện cho mục đích khai thác tiền điện tử.
Vì hoạt động khai thác tiền điện tử không có trong hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam và hiện tại không được cấp chứng nhận kinh doanh; nguyên tắc áp giá bán lẻ điện phải kết hợp giữa chứng từ pháp lý về mục đích sử dụng điện và mục đích sử dụng điện thực tế của khách hàng nên tổng công ty yêu cầu các công ty điện lực ký hợp đồng bán điện giá kinh doanh cho các khách hàng này.
Theo đó, giá bán lẻ điện kinh doanh có mức khoảng 2.461 đồng 1 KWh vào khung giờ bình thường, giờ thấp điểm là 1.497 đồng/KWh và cao điểm tới 4.233 đồng/KWh. Mức giá này cao hơn khá nhiều so với giá bán điện dành cho khối sản xuất và sinh hoạt.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều đồng tình với việc áp biểu giá điện kinh doanh với hoạt động giải mã, khai thác đồng tiền ảo bởi loại máy này tốn rất nhiều năng lượng, chưa kể khi máy hoạt động gây tiếng ồn và tỏa nhiệt rất lớn gây mất an toàn cháy nổ nếu đặt trong khu dân cư.