Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường: Cẩn thận tạo chính sách thuế mang tính phân biệt

Ông Đỗ Thái Vương, đại diện của Hiệp hội Rượu – Bia - Nước giải khát Việt Nam cảnh báo cho rằng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường đang mang tính phân biệt...
đồ uống có đường

Ngày 21/2/2023, Bộ Tài chính đã gửi Văn bản số 1585/BTC-VCS gửi các bộ ngành, tổ chức, hiệp hội và đồng thời đăng tải toàn bộ dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) lên trang mạng của Bộ Tài chính, Chính phủ để lấy ý kiến của toàn thể nhân dân, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các sắc thuế đối với đời sống, kinh tế, xã hội.

Thiếu liên hệ giữa đồ uống có đường và thừa cân béo phì

Trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) này, Bộ Tài chính cũng có nội dung bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia.

Một trong những lý do mà Bộ Tài chính quyết định áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường là từ khuyến cáo của WHO về đồ uống có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân, béo phì và là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường...

WHO đã chính thức khuyến nghị tới Chính phủ các nước để tiến hành nhiều hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua biện pháp đánh thuế vào đồ uống có đường để định hướng tiêu dùng. 

đồ uống có đường
GS.TS. Nguyễn Thị Lâm

Tuy nhiên, theo GS.TS. Nguyễn Thị Lâm, Nguyên phó viện trưởng – Viện Dinh dưỡng cho biết, yếu tố chủ yếu dẫn tới thừa cân béo phì là do vận động ít. Mối liên quan giữa đồ uống có đường với thừa cân, béo phì ở trên thế giới đang tranh luận trái chiều, nhưng GS.TS Nguyễn Thị Lân cho biết không tìm được mối liên quan giữa đường tiêu thụ và béo phì.

Đại diện của Hiệp hội Rượu – Bia - Nước giải khát Việt Nam (VBA), ông Đỗ Thái Vương – Trưởng tiểu ban Nước giải khát VBA khẳng định, chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để chứng minh rằng việc áp thuế TTĐB với đồ uống có đường sẽ giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì, đặc biệt là trong bối cảnh có rất nhiều loại thực phẩm có chứa đường và hàm lượng calo cao tồn tại trên thị trường.

Cho đến nay, thực tiễn tại các quốc gia áp dụng chính sách thuế tương tự cũng chưa cho thấy hiệu quả. Tại một số quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ, Na Uy, Phần Lan, Mexico…, tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn tiếp tục tăng dù các quốc gia này áp thuế đối với đồ uống có đường.

Từ đó, ông Vương chỉ ra, nếu chỉ áp thuế đối với đồ uống có đường thì không chỉ không giúp cho việc giải quyết vấn đề thừa cân béo phì, mà còn tạo ra một chính sách thuế mang tính phân biệt. 

Số liệu từ Hiệp hội Rượu – Bia - Nước giải khát Việt Nam, từ năm 2003 đến nay, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã 5 lần sửa đổi. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, tăng Thuế tiêu thụ đặc biệt chưa đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe. Ví dụ, tăng thuế không giải quyết vấn đề rượu bất hợp pháp, chiếm 60- 70% thị trường, gây thất thoát 751 triệu USD/ năm, từ đó, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và kinh doanh hợp pháp, tăng Thuế tiêu thụ đặc biệt không giúp nuôi dưỡng nguồn thu cho nhà nước. Vấn đề gốc rễ bao gồm rượu phi chính thức gây rủi ro cho sức khỏe và gây thất thu ngân sách lại không được tập trung giải quyết.

Bộ Tài chính có nhầm lẫn khái niệm? 

Đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại Đà Nẵng, ông Chris Vanloon, cũng bày tỏ quan ngại về đề xuất áp dụng thuế Tiêu Thụ Đặc Biệt đối với đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn để kiểm soát béo phì và các bệnh không lây nhiễm.

Dẫn Báo cáo của Bộ Y tế, ông Chris Vanloon cho biết nguyên nhân chính gây béo phì là do chế độ ăn uống mất cân đối, quá nhiều năng lượng (từ cả chất béo, chất đạm, carbohydrat); và thiếu hoạt động thể chất. Do đó, để kiểm soát béo phì, cách hiệu quả nhất là giáo dục người dân cân bằng chế độ ăn uống và tăng cường hoạt động thể chất.

đồ uống có đường

Còn báo cáo của Bộ Tài chính cho biết chỉ có khoảng 1/4 quốc gia trên thế giới áp dụng thuế đối với đồ uống có đường, nhưng ông Chris Vanloon cho rằng không có quốc gia nào trong số này chứng minh được hiệu quả của sắc thuế trong việc giảm béo phì và đái tháo đường, trong khi nó gây ra những tác động kinh tế và xã hội lớn đến mức một số quốc gia, chẳng hạn như Đan Mạch, đã rút bỏ loại thuế này.

Bên cạnh đó, đại diện AmCham phân tích, thuật ngữ đồ uống có đường mà Bộ Tài chính đưa ra là một thuật ngữ gây nhầm lẫn, vì các tài liệu khoa học trong chính báo cáo này sử dụng một thuật ngữ khác là “Nước Giải Khát Có Bổ Sung Đường”.

Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành không có định nghĩa về “đồ uống có đường”, đại diện AmCham cho biết.

Do đó, đề xuất này của Bộ Tài chính có thể bao gồm cả nhiều loại sản phẩm là thực phẩm thiết yếu cho cuộc sống và tốt cho sức khỏe như sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm đặc biệt cho trẻ em, phụ nữ có thai, người già, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm y tế cho người bệnh, v.v… Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này sẽ tác động tiêu cực đến đời sống của mọi gia đình và sức khỏe của người dân.

đồ uống có đường
Ông Chris Vanloon đề xuất loại bỏ đồ uống có đường, đồ uống đại mạch và nước giải khát không cồn ra khỏi dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi

Địa diện AmCham nêu thực tế, nếu đề xuất này được thông qua, cả ngành thực phẩm và đồ uống, vốn đang chật vật phục hồi sau đại dịch Covid-19, sẽ phải đối mặt thêm gánh nặng tài chính. Kéo theo đó là mức chi tiêu của người dân cũng sẽ cao hơn do phải chi trả giá cao hơn cho nhiều loại thực phẩm thông thường, trong thời kỳ lạm phát cao như hiện nay.

Do đó, AmCham đề nghị Bộ Tài chính loại bỏ đồ uống có đường, đồ uống đại mạch và nước giải khát không cồn ra khỏi dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Bộ Tài chính cần cân nhắc các tác động tiềm ẩn của đề xuất đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng so với hiệu quả của nó, dựa trên các bằng chứng khoa học xác đáng và nguyên tắc quản lý rủi ro để tránh những hậu quả không mong muốn cho cộng đồng và xã hội.

Có thể bạn quan tâm