Gần đây, món lòng se điếu đang khiến dư luận đang xôn xao trước nghi vấn được "phù phép" từ lòng heo thông thường, ngâm hóa chất có thể gây hại cho sức khỏe.
Chị Ngọc Mai (56 tuổi, Hà Nội), một tiểu thương kinh doanh thịt lợn lâu năm cho biết lòng se điếu rất hiếm. Phần lòng này cũng chỉ xuất hiện ở một đoạn chứ không phải cả bộ lòng nên số lượng ít, khoảng chừng 2-3 lạng. Những con lợn cá biệt mới có đoạn lòng se điếu nặng trên nửa cân.
Loại lòng này khi ăn có độ giòn ngọt, không ngấy như lòng non thông thường. Trên thị trường, lòng se điếu được rao bán với mức giá khá đắt đỏ, dao động từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng mỗi kg, thậm chí có nơi còn lên đến 4 triệu đồng/kg. Với mức giá này phần nào phản ánh sự khan hiếm và giá trị đặc biệt của loại thực phẩm này trên thị trường.
Theo dân gian, lòng se điếu là một loại lòng đặc biệt của con heo, không giống như các loại lòng thông thường mà chúng ta thường gặp trong các bữa ăn. Loại lòng này chỉ có ở những con heo cái sống lâu năm và gầy yếu, khi đó lớp lòng bên trong sẽ có hình dạng giống như những chiếc ống se điếu mà người ta hay dùng để hút thuốc lào.
Bên cạnh đó, trên mạng xã hội còn xuất hiện thông tin cho rằng lòng se điếu thực chất là một dạng lòng non đột biến, có thể chứa nhiều ký sinh trùng, giun, sán,... nếu không được chế biến đúng cách sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), lòng se điếu là đoạn ruột non có cấu trúc đặc biệt, thường xuất hiện ở những con lợn cấn (lợn đực nuôi để làm giống) hoặc những con lợn nhỏ được nuôi kỹ lưỡng.
"Mỗi con lợn chỉ có 1 đoạn ruột non là lòng se điếu, thường nằm ở đoạn đầu của ruột non, gần dạ dày, chứ không phải tất cả ruột heo dài hàng chục mét", Phó Giáo sư Thịnh cho biết.
Về nguy cơ lòng lợn bình thường bị "phù phép" bằng hóa chất như formol, oxy già để biến thành lòng se điếu, Phó Giáo sư Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, điều này cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để kiểm tra, kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm của lòng se điếu.
Tuy nhiên, nếu thực sự có việc dùng hóa chất để ngâm tẩm, "phù phép" như vậy thì rất độc hại với cơ thể.
Theo ông Thịnh, việc ngâm lòng trong phèn chua không phải mới lạ, vì phèn chua là phụ gia thực phẩm được phép sử dụng rộng rãi, thường dùng để lọc nước ở các vùng nước bị ô nhiễm. Người kinh doanh lòng lợn cũng thường ngâm lòng trong phèn chua để tạo độ se bề mặt cho lòng.
Phó Giáo sư Nguyễn Duy Thịnh thông tin thêm, Oxy già là phụ gia được phép dùng trong thực phẩm nhưng chỉ với liều lượng rất nhỏ, không được phép dùng với liều cao, nhất là ngâm thực phẩm trong thời gian lâu, sẽ có thể gây bệnh đường ruột
Còn formol là thực phẩm cấm dùng trong chế biến thực phẩm, là chất có thể gây ngộ độc cấp tính như đau bụng, nôn ói, viêm dạ dày cấp tính..., dùng lâu dài có khả năng gây ung thư.
Phó Giáo sư Thịnh nhấn mạnh: "Do đó, trước các tranh cãi về việc lòng se điếu có thể bị làm giả, ngâm tẩm hóa chất... rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng để kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ của lòng se điếu, kiểm nghiệm xem có hóa chất không được phép trong sản phẩm lòng se điếu bán ra hay không?. Chỉ có thông tin chính xác và đầy đủ thì mới tạo ra sự an tâm cho người tiêu dùng và để những người bán hàng, kinh doanh chính đáng có thể yên tâm buôn bán".
Phó Giáo sư cũng cảnh báo, người dân cần thận trọng khi ăn lòng vì nội tạng lợn chứa lượng cholesterol cao, ăn thường xuyên có thể gây tăng mỡ máu, nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như huyết áp, tim mạch... Những người có bệnh mãn tính, người già nên hạn chế ăn các sản phẩm có cholesterol cao như lòng lợn...
Hiện tại, những tranh cãi xung quanh món lòng se điếu vẫn đang tiếp tục làm dậy sóng các diễn đàn mạng xã hội và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trước những nghi vấn về nguồn gốc và chất lượng, nhiều cư dân mạng đã lên tiếng kêu gọi cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường, sớm vào cuộc để xác minh và làm rõ thông tin liên quan đến loại thực phẩm này.