APEC 2017: Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung

Hôm nay (10/11), tại thành phố Đà Nẵng sẽ diễn ra Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25, sự kiện quan trọng nhất trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
APEC 2017: Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Đà Nẵng dự APEC. (Ảnh: TTXVN)

Với chủ đề “Tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung,” các nhà lãnh đạo kinh tế APEC sẽ cùng bàn thảo những vấn đề quan trọng, thiết thân, nhằm tạo “động lực mới” cho tăng trưởng bền vững và liên kết khu vực, từ đó “vun đắp tương lai chung” là hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương.

Động lực mới cho tăng trưởng và liên kết khu vực

Được thành lập năm 1989, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương gồm 21 thành viên, với mục tiêu là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh tự do hóa thương mại và đầu tư, liên kết kinh tế khu vực, hợp tác kinh tế kỹ thuật, đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững. Là một thị trường 2,8 tỷ dân, APEC hiện đóng góp gần 60% GDP và 49% thương mại toàn cầu.

APEC còn là nơi hội tụ các trung tâm kinh tế, thương mại và công nghệ lớn của thế giới. Hợp tác đồng thuận, không ràng buộc và tự nguyện cùng năng lực đổi mới, sáng tạo của các thành viên đã tạo cho APEC một sức sống bền bỉ và mạnh mẽ, giúp Diễn đàn giữ đà tăng trưởng, hợp tác và liên kết sau nhiều cuộc khủng hoảng khu vực và toàn cầu.

Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 diễn ra trong bối cảnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với những thay đổi căn bản, nhanh chóng và phức tạp.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa đang mở ra nhiều cơ hội mới, song gia tăng khoảng cách phát triển, thất nghiệp vẫn là những thách thức đối với thúc đẩy tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực.

Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng - thành phố biển tươi đẹp, hiện đại, năng động và mến khách - có sứ mệnh quan trọng tạo động lực mới cho hợp tác, liên kết và tăng trưởng của APEC.

Đây cũng là dịp để các thành viên APEC làm sâu sắc hơn và nâng tầm quan hệ hợp tác, hướng tới xây dựng một Quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21.

Lãnh đạo các nền kinh tế APEC sẽ thảo luận và thông qua những kết quả hợp tác lớn đạt được trong suốt cả năm và định hướng cho hợp tác của Diễn đàn trong những năm tiếp theo. Với ý nghĩa đó, chương trình nghị sự của Hội nghị sẽ gắn liền với việc cụ thể hóa chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và bốn ưu tiên của Năm APEC 2017.

Đó là thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh mới với nhiều thách thức, các nhà Lãnh đạo cũng sẽ trao đổi, thảo luận các biện pháp nhằm tiếp tục giữ đà hợp tác, liên kết của Diễn đàn, góp phần thể hiện tầm vóc APEC đi đầu trong xử lý các thách thức của thế giới và khu vực, ngày càng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

Đến nay, nhiều sáng kiến quan trọng, có ý nghĩa thiết thực đã được thông qua, đáng chú ý là bốn văn kiện: Khuôn khổ thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới, Chiến lược APEC về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa xanh, bền vững và sáng tạo, Kế hoạch hành động nhiều năm về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu giai đoạn 2018​-2020 và Chương trình hành động về phát triển nông thôn​-đô thị nhằm tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng, đã được Hội nghị liên bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế thông qua để trình lên các nhà lãnh đạo kinh tế APEC.

Những đề xuất, sáng kiến của Việt Nam đã được các thành viên APEC đồng thuận cao, tạo dấu ấn sâu đậm trong tiến trình hợp tác của APEC, chuẩn bị cho APEC bước vào thập niên phát triển thứ tư và thúc đẩy hoàn tất thực hiện các Mục tiêu Bogor vào năm 2020.

Vị thế một Việt Nam đổi mới

APEC 2017: Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung ảnh 1

Các đại biểu dự phiên đối thoại 'Kỷ nguyên số.' (Ảnh: TTXVN)

Chỉ trong vòng chưa đầy hai mươi năm là thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, Việt Nam đã vinh dự hai lần đăng cai tổ chức các hoạt động của APEC. Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy quyết định gia nhập APEC của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.

Nhiều thành viên APEC là những đối tác quan trọng của Việt Nam về thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển chính thức, trao đổi du lịch và sinh viên. Các thành viên APEC hiện chiếm 75% thương mại quốc tế, gần 80% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và khoảng 80% khách du lịch quốc tế của Việt Nam. 80% sinh viên Việt Nam lựa chọn du học tại các nền kinh tế APEC. Các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hơn 50 nhóm công tác, ủy ban, diễn đàn của APEC.

Những con số và thực tế trên cho thấy tiến trình hợp tác APEC đã đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói nghèo, nâng cao năng lực hoạch định chính sách và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường củaViệt Nam.

Việc tham gia APEC góp phần đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế và làm sâu sắc các mối quan hệ song phương của Việt Nam, góp phần củng cố môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển.

Các hội nghị APEC tổ chức hàng năm là dịp để các thành viên tiếp xúc, gặp gỡ song phương ở các cấp, đặc biệt ở cấp cao nhất, nhằm củng cố quan hệ hợp tác với các đối tác trong khu vực, trong đó có nhiều đối tác hàng đầu. Đến nay, trong tổng số 25 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam có 13 đối tác là thành viên APEC.

Là thành viên APEC, Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận khoa học công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến, tranh thủ nguồn lực quốc tế để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu...

Việc tham gia và giải quyết các vấn đề, quan tâm chung của APEC về tăng trưởng và liên kết kinh tế cũng như nâng cao vai trò của Diễn đàn đã khẳng định hình ảnh Việt Nam đổi mới, năng động, gắn kết khu vực, góp phần tạo thế và lực mới cho Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Đảm nhận lại vai trò chủ nhà APEC 2017 với vị thế mới sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam tiếp tục khẳng định là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng và liên kết của APEC, cùng các thành viên vun đắp tương lai chung của cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.

Tuần lễ Cấp cao APEC và đỉnh cao là Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng chắc chắn thành công tốt đẹp, khẳng định APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu ở châu Á-Thái Bình Dương, có vai trò không thể thiếu trong cấu trúc khu vực đa tầng nấc, duy trì và phát huy vai trò của châu Á-Thái Bình Dương là một động lực tăng trưởng, liên kết toàn cầu.

Theo Vietnamplus.vn

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…