UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa có công văn trình Thủ tướng xem xét phê duyệt cho tỉnh triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn, đặc biệt nhất là tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và cầu Phước An.
Theo đó, để sớm triển khai dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tỉnh đã phối hợp với tỉnh Đồng Nai có văn bản liên tỉnh báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án thành phần số 1 (đoạn Biên Hòa - Phú Mỹ và nối vào cảng Cái Mép).
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trình bày kế hoạch sơ bộ về việc triển khai dự án, cũng như phương án bố trí nguồn vốn đi kèm: Sợ bộ Dự án thành phần số 1 có tổng mức đầu tư 14,956 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 5.443 tỷ đồng, bao gồm:
Đoạn qua tỉnh Đồng Nai có chiều dài 34,8 Km, tổng mức đầu tư 12.3 15 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 4,723 tỷ đồng. Các chi phí còn lại khoảng 1.592 tỷ đồng.
Đoạn qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có tổng mức đầu tư 2.641 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 700 tỷ đồng, bao gồm: đoạn cao tốc dài 3,2 Km có tổng mức 851 tỷ đồng (chi phí bồi thường 232 tỷ đồng, chi phí còn lại 69 tỷ đồng) và đoạn nhánh kết nối vào cảng Cái Mép dài 8,8 Km có tổng mức đầu tư 1.791 tỷ đồng (chi phí bồi thường 489 tỷ đồng, các chi phí còn lại 1.302 tỷ đồng)", trích dẫn theo công văn 2761 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trình Thủ tướng.
Để có cơ sở hoàn tất các thủ tục pháp lý về đầu tư theo hình thức PPP trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị đối với Dự án thành phần số 1, Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải cân đối nguồn vốn Trung ương hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng đoạn qua tỉnh Đồng Nai, với số tiền 4.723 tỷ đồng (diện tích thu hồi khoảng 335ha).
Phần kinh phí xây dựng và chi phí khác sẽ do nhà đầu tư BOT thực hiện. Đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh sẽ hỗ trợ phần kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng 232 tỷ đồng, phần xây dựng 619 tỷ đồng do nhà đầu tư BOT thực hiện. Riêng phần tuyến nhánh từ cao tốc vào cảng Cái Mép có chi phí khoảng 1.791 tỷ đồng thì tỉnh sẽ bố trí ngân sách đầu tư.
Đối với dự án thành phần số 2, đoạn từ Phú Mỹ về đến TP Bà Rịa, tỉnh kiến nghị giữ nguyên đường cao tốc và giao cho tỉnh chủ động huy động, sắp xếp nguồn vốn và quyết định đầu tư. Phần còn lại từ TP Bà Rịa về Vũng Tàu, cho phép tách ra khỏi quy hoạch đường cao tốc để tỉnh quyết định đầu tư trục chính đô thị theo đúng quy hoạch xây dựng được duyệt.
Về cầu Phước An, theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết dự án đã có những chuyển động tích cực, tháng 4/2019, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn từ Trung ương là 2.000 tỷ đồng, để thực hiện dự án, phần còn lại 2.879 tỷ đồng, tỉnh sẽ cân đối ngân sách để bố trí thực hiện công trình giai đoạn 2020-2025.
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, tỉnh sẽ bố trí 1,5 tỷ đồng để chuẩn bị các bước đầu tư như ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự kiến, dự án sẽ khởi công trong năm 2020.