Bác sĩ Lương Lễ Hoàng qua đời do COVID

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng là cộng tác viên trong nhiều năm của Thương Gia với chuyên mục "Sức khỏe Doanh nhân" chuyên các nội y dược phòng và trị bệnh bằng cách vận dụng kinh nghiệm của y học dân gian kết hợp kiến thức y học hiện đại.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng qua đời do COVID

Theo thông tin vài ngày trước, ông xét nghiệm dương tính với COVID-19 và được chuyển đến Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức, TP.HCM) điều trị. Do có bệnh nền và diễn biến bệnh nhanh, nặng, dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng ông đã trút hơi thở cuối cùng vào khoảng 12 giờ đêm 15/11.

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng sinh năm 1952, tốt nghiệp y khoa ở Sài Gòn, định cư ở Đức từ năm 1981. Ông trở về Việt Nam sinh sống từ năm 2011 và góp tay xây dựng Trung tâm oxy cao áp khá nổi tiếng ở TP.HCM.

Xuất thân từ Đại học Y khoa Minh Đức, trường y đầu tiên và duy nhất ở miền Nam với tôn chỉ kết hợp Đông Tây y, cả đời bác sĩ Lương Lễ Hoàng theo đuổi mục tiêu xây dựng một nền y học đậm đà bản sắc dân tộc, đại chúng và nhân bản. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về y dược nhằm mục tiêu cổ động cho biện pháp phòng và trị bệnh bằng cách vận dụng kinh nghiệm của y học dân gian nhưng với tri thức cập nhật và kỹ thuật thực nghiệm của y học hiện đại.

Nhập chú thích ảnh
Nhập chú thích ảnh

Các bài viết của Bác sĩ Lương Lễ Hoàng viết theo lối hành văn giản dị, nhẹ nhàng dễ đọc, dễ ngấm và dễ thấm. Như bài "Nhờ men này chống men kia" đăng mục "Sức khỏe Doanh nhân" của Thương Gia số ra tháng 11/2016, Bác sĩ viết "Không dẫn chứng nào rõ nét cho bằng hình ảnh của khung ruột nếu muốn diễn tả cảnh chiến trường ngày đêm ác liệt. Bên này là lực lượng vi khuẩn phe ta với nhiệm vụ vừa ngăn chặn nhiễm độc từ phế phẩm trên đường tiêu hóa, vừa tạo điều kiện tối ưu để dưỡng chất được hấp thu qua màng ruột. Phía kia là tạp khuẩn liên minh để bào mòn sức đề kháng thông qua phản ứng lên men trong lòng ruột và từ đó tích lũy độc chất đủ loại, từ chất gây dị ứng cho đến chất sinh ung thư!

Kẹt cho gia chủ là phe ta tuy mang tiếng danh môn chính phái nhưng lại yếu hơn phe địch. Vi khuẩn có ích cho sức khỏe rất dễ thua ngay trên sân nhà sau đợt điều trị bằng thuốc kháng sinh, sau chấn động tâm lý, sau cơn bệnh kéo dài nhiều ngày, hay thậm chí chỉ vì gia chủ xì-trét quá đi thôi! Ngược lại, thành phần “ma giáo” vừa tăng quân số vừa tăng hoạt tính nếu gia chủ là fan của thuốc lá, rượu bia, thịt mỡ, thực phẩm công nghệ…". Có những lúc lại rất dí dỏm, hài hước như khi ví von "Huyết áp giống vật giá chỗ nào?" đăng trên Thương Gia số ra tháng 9/2017 với câu "chốt": "Huyết áp có điểm giống vật giá, lên rồi khó xuống. Mặt khác, huyết áp không giống tiền lương, giảm chút không hại gì ai".

Với độc giả trong và ngoài nước, từ nhiều năm nay ông không còn xa lạ qua 30 ấn phẩm tái bản nhiều lần như “Dinh dưỡng để phòng bệnh”, “Dinh dưỡng để trị bệnh”, “Khỏe nhờ sinh tố”, “Nỗi buồn ngày mới lớn”, “Mạnh nhờ khoáng tố”, “Thuốc đắng đã tật”, “Viết vì sức khỏe nhà nông”, “Ngọn đèn trước gió”, “Mỗi tuần một chuyện cà kê”, “Cháy máy vì nghẹt xăng”…

Cuối tháng 10/2021, bác sĩ Lương Lễ Hoàng vừa hoàn thành cuốn sách “Cung đàn lỗi nhịp”. Cuốn sách đang chờ ngày phát hành thì ông mắc COVID-19 và qua đời.

Ban biên tập Tạp chí Thương Gia xin gửi lời chia buồn tới gia đình bác sĩ Lương Lễ Hoàng.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...