Bài 3 - Vỡ kế hoạch cổ phần hoá vì đất đai, tài chính và hệ luỵ từ đại dịch Covid-19!

Với số lượng 325 doanh nghiệp còn lại phải cổ phần hoá, thoái vốn trong năm 2020, đây được xem là nhiệm vụ bất khả thi đối với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp...
Bài 3 - Vỡ kế hoạch cổ phần hoá vì đất đai, tài chính và hệ luỵ từ đại dịch Covid-19!

Điều đáng nói là, ngoài những bất cập mang tính chất hệ thống, còn có những rào cản lớn khác, như sự thiếu minh bạch trong quản lý đất đai, tài chính của doanh nghiệp và sự tàn phá từ đại dịch Covid-19.

Quản lý đất đai thiếu minh bạch, sử dụng sai mục đích

Như đã nêu trong các bài báo trước, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020, có tổng số 406 doanh nghiệp. Tuy nhiên, tính đến tháng 4/2020, mới chỉ có 174 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Quyết định số 26/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 93 DNNN cổ phần hoá, thoái vốn năm 2020
Quyết định số 26/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 93 DNNN cổ phần hoá, thoái vốn năm 2020

Mặt khác, theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2020 phải thực hiện cổ phần hoá thêm 93 doanh nghiệp (đến nay mới có Công ty Sách và Thiết bị trường học tỉnh Đắk Nông thực hiện xong cổ phần hoá). Trong đó có 4 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nắm giữ trên 65% vốn điều lệ; 62 DNNN nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ và 27 DNNN nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống.

Theo 2 quyết định nói trên, tổng số doanh nghiệp phải cổ phần hoá, thoái vốn giai đoạn 2017-2020 là 499 doanh nghiệp. Trong đó, có 174 doanh nghiệp đã thực hiện xong nhiệm vụ cổ phần hoá, số doanh nghiệp còn lại phải cổ phần hoá từ nay đến hết năm 2020 là 325 doanh nghiệp. Với khối lượng doanh nghiệp khổng lồ này, cùng với sự tác động của đại dịch Covid-19, kế hoạch cổ phần hoá có nguy cơ không thể về đích đúng hẹn.

Theo ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính): Số lượng doanh nghiệp còn lại phải cổ phần hoá dồn sang năm 2020 quá lớn. Hơn nữa, do dịch Covid-19, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, thị trường chứng khoán cũng đang rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, nên có thể nói trước rằng, không thể hoàn thành kế hoạch cổ phần hoá và thoái vốn.

Ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp cho rằng, không thể hoàn thành kế hoạch cổ phần hoá và thoái vốn DNNN trong năm nay.
Ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp cho rằng, không thể hoàn thành kế hoạch cổ phần hoá và thoái vốn DNNN trong năm nay.

Ông Tiến cho biết thêm: Hiện có tới 25 vấn đề đã và đang cản trở tiến trình cổ phần hoá. Trong đó, việc xử lý đất đai trước khi tiến hành chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước là một trong những vướng mắc lớn nhất.

Chính phủ cũng đã nhận ra điều này, nên Nghị quyết 01/2019/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 đã yêu cầu phải sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2017/NĐ-CP, Nghị định 91/2015/NĐ-CP, Nghị định 167/2017/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

Cũng theo ông Tiến, việc sửa Nghị định 167 sẽ theo hướng quy định rõ: các DNNN phải tiến hành sắp xếp, xây dựng phương án sử dụng nhà, đất rõ ràng, minh bạch trước khi lập phương án cổ phần hóa. Quy định này nhằm giải quyết một số vấn đề đã xảy ra trong giai đoạn cổ phần hóa DNNN vừa qua. Đó là, nhiều trường hợp doanh nghiệp rà soát thấy có đất thừa không sử dụng nhưng “của đau con xót” nên vẫn giữ và không muốn trả về địa phương.

Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp đang có đất cho thuê mà không có hồ sơ, chứng từ. Lãnh đạo doanh nghiệp lý do “lịch sử để lại” nên ngại làm rõ. Cũng có nhiều trường hợp doanh nghiệp không muốn xử lý đất đai triệt để vì họ đang lãi nhờ đất. Nếu đóng đủ tiền thuế đất, tiền sử dụng đất thì doanh nghiệp có thể biến từ lãi thành lỗ. Như vậy, họ không hoàn thành nhiệm vụ nên không làm.

Ngoài ra, còn nhiều trường hợp doanh nghiệp sử dụng đất sai mục đích nên lãnh đạo doanh nghiệp cứ “lờ” đi. Có trường hợp, Bộ Tài chính thúc giục mạnh mẽ việc xử lý đất mới vỡ lẽ họ có đến mấy chục mảnh đất nhưng lại giao cho người khác quản lý, cho cán bộ nhân viên ở hoặc chiếm dụng làm việc khác dẫn đến phát sinh tranh chấp và dùng dằng trong giải quyết.

Xin lùi thời gian và cơ chế đặc thù

Là một trong những doanh nghiệp lớn thuộc diện phải cổ phần hoá trong năm 2019 và thoái vốn tại 26 doanh nghiệp; sắp xếp lại các Cty cổ phần, chi nhánh, văn phòng đại diện thuộc Cty mẹ; giải quyết phá sản đối với Công ty CP Đóng tàu Sông Ninh…, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết: Do vướng về đất đai, phương án xử lý tài chính…, TKV đã đề xuất được điều chỉnh tiến độ cổ phần hoá sang cuối năm 2020, thậm chí sang năm 2021.

Tập đoàn TKV xin lùi lịch cổ phần hoá vì vướng mắc đất đai, tài chính
Tập đoàn TKV xin lùi lịch cổ phần hoá vì vướng mắc đất đai, tài chính

"Thực tế, diện tích đất đai mà TKV đang quản lý, sử dụng được phân bố tại 32 tỉnh, thành phố với hơn 400 cơ sở nhà, đất. Vì vậy, khó có thể đảm bảo hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp và phê duyệt phương án cổ phần hoá TKV để chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng trong năm 2019.

Liên quan đến xử lý tài chính, TKV cho biết, chưa thu hồi được một số khoản công nợ phải thu khó đòi do các đối tác chưa thực hiện phá sản, chưa có phán quyết của tòa án nên chưa có cơ sở để xử lý. TKV cũng đã tiến hành đấu giá công khai để thoái vốn tại một số đơn vị nhưng chưa bán hết được cổ phần và chuyển sang thủ tục chào bán cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa ban hành Quy chế mẫu về chào bán cạnh tranh, do đó chưa thể thực hiện được…”, lãnh đạo TKV bày tỏ.

Tương tự TKV, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) lần lượt phải thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp theo lộ trình là: năm 2018 thoái 15 doanh nghiệp, năm 2019 thoái 14 doanh nghiệp và thoái 4 doanh nghiệp trong năm 2020. Tuy nhiên đến nay, Vinachem mới chuyển nhượng vốn thành công tại 7 công ty cổ phần. 03 doanh nghiệp thực hiện bán đấu giá không thành công; 04 doanh nghiệp bị toà áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nên không thể thoái vốn…

Đối với Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) - ngân hàng có tổng tài sản 1,4 triệu nghìn tỷ đồng (tổng tài sản đứng thứ 2 sau BIDV trong toàn hệ thống ngân hàng); nguồn vốn huy động đạt 1,29 triệu nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt hơn 1,05 triệu nghìn tỷ. Ngân hàng này có tới 294 cơ sở nhà đất, với tổng diện tích 2,6 triệu m2 trên cả nước, nguồn gốc đất lại đa dạng, hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ. Điều đó dẫn tới việc hoàn tất thủ tục về đất đai, xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp trước khi cổ phần hoá mất nhiều thời gian, gặp không ít vướng mắc.

Đại diện Agribank cho biết, đơn vị đang gặp khó khăn trong xác định phương án sử dụng đất tại một số địa phương nên có phần ảnh hưởng tới tiến độ cổ phần hoá nói chung. Với nhiều khó khăn đặc thù, Agribank đã báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ xác định cơ chế đặc thù cho đơn vị. Trong điều kiện khi chưa cổ phần hoá được, Agribank đề xuất sớm được phê duyệt tăng vốn điều lệ cho ngân hàng để thực hiện nhiệm vụ đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.

Lý giải về việc chậm trễ trong cổ phần hoá, lãnh đạo Tập đoàn VNPT cho biết, do tập đoàn có hệ thống tài sản rộng khắp tại 63 tỉnh, thành phố nên việc kiểm kê và sắp xếp phương án sử dụng đất mất nhiều thời gian. Trong số hơn 4.000 cơ sở nhà đất hiện có, tập đoàn mới thực hiện được 95% khối lượng công việc. Phương án sử dụng đất là cơ sở để xác định giá trị doanh nghiệp, vì chưa hoàn thành nên VNPT chưa có quyết định phê duyệt cổ phần hóa.

Với 38 doanh nghiệp thuộc diện phải thực hiện cổ phần hoá trong năm 2020, tổng giá trị lên đến 66.000 tỷ đồng, ông Lê Thanh Liêm – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, do số doanh nghiệp phải cổ phần hoá và giá trị tài sản quá lớn, cộng thêm những vướng mắc liên quan đến phương án sử dụng đất, trình tự thủ tục rất phức tạp nên gần như không thể thực hiện xong cổ phần hoá trong năm 2020.

Cần giải pháp đột phá, quyết liệt của cả hệ thống chính trị

Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết nhận định, kế hoạch thoái vốn doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2017-2020 tới nay là khó có thể hoàn thành. Thực tế việc thoái vốn đã diễn ra chậm trễ trong suốt giai đoạn này. Có đến hơn 70% khối lượng thoái vốn phải dồn vào năm 2020. Đây là nhiệm vụ bất khả thi, do đó nhiều khả năng sẽ phải có các kế hoạch chi tiết hơn cho các giai đoạn sau để tiếp tục quá trình thoái vốn nhà nước.

Rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đưa ra những giải pháp mang tính đột phá nhằm xử lý những bất cập, khắc phục những điểm tắc nghẹn mang tính hệ thống trong công tác cổ phần hoá, thoái vốn DNNN
Rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đưa ra những giải pháp mang tính đột phá nhằm xử lý những bất cập, khắc phục những điểm tắc nghẹn mang tính hệ thống trong công tác cổ phần hoá, thoái vốn DNNN

Theo nhận định của lãnh đạo Công ty chứng khoán KB Securities (KBSV), mức độ hòa nhập và độ mở kinh tế Việt Nam hiện đã có sự khác biệt hoàn toàn so với giai đoạn dịch SARS. Tác động của dịch Covid-19 đến biến động thị trường chứng khoán Việt Nam chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều. KBSV cho rằng, Covid-19 không chỉ gây ra các ảnh hưởng lớn hơn đến tăng trưởng kinh tế trong nước, tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết, mà còn tác động đến các kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước...

Một điểm khác đó là hiện tượng khối ngoại bán ròng trong quá khứ là việc chỉ số VN-Index chỉ có thể tạo đáy và hồi phục bền vững khi xu hướng bán ròng kết thúc, trừ khi có các động lực riêng (thông tin thoái vốn của SCIC, cổ phần hóa doanh nghiệp, nhóm cổ phiếu dầu khí hồi phục cùng xu hướng giá dầu…).

Đối với giai đoạn bán ròng hiện tại, KBSV đánh giá dòng vốn khó có thể đảo ngược trong tương lai gần nếu không xuất hiện các thông tin hỗ trợ cụ thể (dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế toàn cầu cho thấy khả năng hồi phục rõ rệt…).

Như vậy, có thể thấy, khi tình hình cổ phần hoá và thoái vốn DNNN còn đang ì ạch và chưa có một động lực rõ nét để thay đổi cục diện, dịch bệnh Covid-19 bùng nổ như “giọt nước tràn ly” khiến cho mọi nỗ lực từ doanh nghiệp hay các bộ, ngành liên quan trở thành hơi nước, không có điểm trụ.

Để giải quyết bài toán hóc búa nêu trên, không chỉ cần sự cố gắng giải quyết vấn đề từ nội tại doanh nghiệp, sự hỗ trợ tích cực từ phía các bộ, ngành chức năng mà còn rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đưa ra những giải pháp mang tính đột phá nhằm xử lý những bất cập, khắc phục những điểm tắc nghẹn mang tính hệ thống trong công tác cổ phần hoá, thoái vốn DNNN. Có như vậy, chúng ta mới hi vọng đạt được kết quả cao trong cổ phần hoá, thoái vốn DNNN giai đoạn 2017 – 2020.

Covid-19 tàn phá, hàng chục nghìn doanh nghiệp lâm nguy

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/4, cho thấy các doanh nghiệp bắt đầu "ngấm" thiệt hại nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, có 22.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước. Con số tăng đột biến này được cơ quan thống kê đánh giá hết sức quan ngại. Chưa hết, cả nước cũng có gần 14.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 5.277 doanh nghiệp đăng thông báo giải thể và 5.776 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế.

Xem thêm

Cởi "nút thắt" trong công tác cổ phần hóa

Cởi "nút thắt" trong công tác cổ phần hóa

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2007 với nhiều quy định mới tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các cơ quan liên quan sớm triển khai công tác cổ phần hóa.

Có thể bạn quan tâm