Tuy nhiên, do sự thiếu đồng bộ trong thể chế, chính sách và việc thực hiện chưa nghiêm túc của một số bộ, ngành, doanh nghiệp có liên quan nên công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước không đạt được kết quả như kỳ vọng.
Văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều bất cập
Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/08/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020, có tổng số 406 doanh nghiệp thuộc diện phải cổ phần hoá. Tuy nhiên, tính đến tháng 04/2020, mới có 174 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.126 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.748 tỷ đồng.
Điều đáng nói là, trong 174 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch), số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên từ đầu năm 2020 đến nay chỉ có duy nhất Công ty Sách và Thiết bị trường học tỉnh Đắk Nông được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tương tự, năm 2019, tình hình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng không mấy sáng sủa. Theo đó, có 13 đơn vị thuộc danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020. Tổng giá trị trên sổ sách là 896 tỷ đồng, thu về 1.839 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong số 92 doanh nghiệp này, có một số doanh nghiệp lớn như Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tổng công ty Lương thực miền Bắc... Như vậy, với khối lượng công việc khổng lồ này và với thời gian chỉ còn 07 tháng để triển khai thực hiện thì liệu rằng công tác cổ phần hoá có về đích đúng hẹn? Đây được xem như là một bài toán không có lời giải đối với tất cả các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Ngoài bất cập nêu trên, Bộ Tài chính còn chỉ ra rằng, đến nay số doanh nghiệp đã cổ phần hóa niêm yết, lên sàn chứng khoán cũng mới đạt tỷ lệ 20%. Theo cơ quan này, còn hơn 700 doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch, niêm yết theo quy định. Mặc dù Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã tuyên truyền, giải thích, công bố danh sách doanh nghiệp, tăng cường kiểm tra, áp dụng xử phạt với doanh nghiệp vi phạm nhưng vẫn không cải thiện được tình hình.
Với những diễn biến nêu trên, một số chuyên gia cho rằng, tiến độ cổ phần hóa không đạt được kế hoạch như kỳ vọng là do thể chế, chính sách còn nhiều bất cập, có sự chồng chéo giữa nhiều văn bản và mới chỉ dừng lại ở các quy định khung, mang tính nguyên tắc.
Đơn cử như, khái niệm DNNN theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp chưa phù hợp với Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về việc tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, do đó, cần rà soát, điều chỉnh cho phù hợp.
Về thuật ngữ “Vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp” theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Đầu tư công; Luật Đấu thầu; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Xây dựng đang còn nhiều cách hiểu khác nhau, chưa có sự thống nhất dẫn đến khó khăn trong việc xác định thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng trong triển khai thực hiện.
Là một trong những địa phương có nhiều doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Doãn Toản thừa nhận quá trình cổ phần hóa của thành phố còn chậm so với yêu cầu.
Theo Phó Chủ tịch, một trong những nguyên nhân khiến việc cổ phần hóa của Hà Nội chậm là do trước đây thành phố thực hiện cổ phần hóa theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành Cty cổ phần, nhưng sau đó Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và Cty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành Cty cổ phần, thay thế Nghị định 59. Những quy định mới tại Nghị định này có sự thay đổi một số nội dung theo hướng chặt chẽ hơn và quy trình cũng nhiều bước hơn, nên doanh nghiệp cổ phần hóa cũng bị ảnh hưởng theo.
Mặt khác, theo nhận đinh của Bộ Tài chính, những năm qua, tình trạng một số bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, phải điều chỉnh kế hoạch thực hiện cho phù hợp với thực tế. Tiến độ phê duyệt đề án cơ cấu lại các DNNN thuộc thẩm quyền phê duyệt của các bộ, ngành, địa phương theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ còn chậm; việc triển khai đề án cơ cấu lại các Tập đoàn kinh tế, Tổng Cty nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chậm, đặc biệt là nội dung thoái vốn, cổ phần hóa.
Việc chuyển giao các doanh nghiệp sau cổ phần hóa về SCIC; đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán; quyết toán bàn giao sang Cty cổ phần; chấp hành chế độ báo cáo chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, quyết liệt tại một số bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng Cty nhà nước; một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp gặp vướng mắc, lúng túng, chưa thống nhất trong quá trình triển khai cổ phần hóa, thoái vốn theo các quy định mới; vẫn còn DNNN sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ, không tương xứng với nguồn lực nắm giữ.
Chậm quyết toán bàn giao sang Cty cổ phần của các doanh nghiệp đã cổ phần hóa làm ảnh hưởng đến việc xác định phần vốn nhà nước thu nộp các khoản thu từ cổ phần hóa theo quy định như: Tổng Cty Thép Việt Nam (đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức Cty cổ phần từ ngày 29/9/2011), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ ngày 29/1/2015...
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, vai trò chủ sở hữu vốn nhà nước của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với các Tập đoàn kinh tế, Tổng Cty nhà nước đã tiếp nhận còn phát sinh một số vướng mắc như việc xác định cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với một số dự án đầu tư của Tập đoàn kinh tế, Tổng Cty, về phân công, phân cấp thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư…Việc rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn, nhiều quy trình thủ tục mất nhiều thời gian do lịch sử pháp lý đất đai phức tạp, địa phương phê duyệt chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định...
Nhiều điểm “ tắc nghẽn” trong triển khai thực hiện
Lý giải về các tồn tại hạn chế nêu trên, có nhiều điểm “tắc nghẽn” được chỉ ra. Trong đó, về khách quan, do tình hình phức tạp, căng thẳng trong các quan hệ kinh tế, chính trị trên thế giới và khu vực ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong nước và khu vực. Đồng thời, quy mô thị trường chứng khoán trong nước còn chưa đủ lớn, khó có thể hấp thụ hết toàn bộ số vốn mà DNNN thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn trong một khoảng thời gian nhất định, phát triển chưa bền vững nên giá cổ phiếu trên thị trường tăng giảm bất thường, dẫn đến khó khăn cho việc cổ phần hóa, thoái vốn.
Các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn này hầu hết là các doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, gắn liền với các hoạt động của địa phương, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương.
Về Nguyên nhân chủ quan, nhiều bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng Cty chưa khẩn trương xây dựng, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại đối với các DNNN theo Quyết định số 707/QĐ-TTg và Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ dẫn tới việc không thể triển khai các công việc tiếp theo như cổ phần hóa, thoái vốn, thay đổi quản trị doanh nghiệp để thực sự nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN.
Trong quá trình tổ chức thực hiện của một số bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng Cty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.
Việc lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công còn rất chậm, có tính chất phức tạp, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Một nguyên nhân nữa được chỉ ra, nhiều DNNN không muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao làm cho tiến độ thoái vốn chậm lại. Một số đơn vị thuộc diện thoái vốn đang bị cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra vì vi phạm các quy định về quản lý sử dụng vốn nhà nước theo quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, còn những DNNN đã triển khai cơ cấu lại nhưng vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng, nguyên nhân do các doanh nghiệp sau cổ phần hóa chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực khai khoáng, năng lượng, cơ khí có điều kiện sản xuất kinh doanh, thị trường khó khăn; trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp, năng lực chuyên môn của người lãnh đạo còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới.
(Còn tiếp...)