Bài học từ bão Yagi: Bảo hiểm tài sản và “tấm khiên” bảo vệ doanh nghiệp

Bão Yagi đã để lại bài học lớn cho doanh nghiệp về việc hiểu rõ hợp đồng bảo hiểm tài sản. Doanh nghiệp không chỉ cần nắm vững các quy định, mà còn phải khai báo kịp thời, chuẩn bị đầy đủ chứng từ và hợp tác chặt chẽ với công ty bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi của mình...

Bài học từ bão Yagi: Bảo hiểm tài sản và “tấm khiên” bảo vệ doanh nghiệp

Cơn bão Yagi vừa qua đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng, khiến hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà máy và tài sản tại những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp, phải lao đao.

Trong bối cảnh đó, bảo hiểm tài sản nổi lên như một tấm "áo giáp" tài chính, giúp các doanh nghiệp đứng vững trước những tổn thất khôn lường. Song, trên thực tế có không ít doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiến hành yêu cầu bồi thường, phần lớn do các điều khoản loại trừ thiếu rõ ràng, quy trình khai báo phức tạp, hoặc chưa hiểu hết phạm vi bảo hiểm mà họ đã mua.

Một trong những rào cản lớn nhất là các điều khoản loại trừ trong hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt khi thiên tai xảy ra. Nhiều hợp đồng loại trừ các sự cố như sạt lở đất, ngập lụt do nước tràn từ sông, hồ hoặc đập... Điều này gây trở ngại cho doanh nghiệp khi thiệt hại từ những yếu tố này không thể yêu cầu bồi thường.

Đáng nói là, nhiều doanh nghiệp không nắm rõ các điều khoản loại trừ này trước khi ký hợp đồng, dẫn đến những kỳ vọng sai lầm về quyền lợi bảo hiểm mà họ cho rằng đáng lý sẽ được hưởng. Kết quả là, khi sự cố thực tế xảy ra, họ mới vỡ lẽ rằng mình không đủ điều kiện để nhận bồi thường.

Một thiếu sót vô cùng lớn khác mà nhiều doanh nghiệp mắc phải là không mua bảo hiểm toàn diện, dẫn đến phạm vi bảo hiểm không đủ rộng. Phần lớn các công ty chỉ mua bảo hiểm cho rủi ro cháy nổ, nhưng lại bỏ qua những nguy cơ thiên tai như bão lũ, giông tố. Khi những thảm họa này ập đến, doanh nghiệp không thể yêu cầu bồi thường vì rủi ro đó không nằm trong phạm vi hợp đồng bảo hiểm đã ký kết.

Ngoài ra, việc không tuân thủ quy trình khai báo sự cố kịp thời và thiếu chuẩn bị tài liệu chứng minh thiệt hại cũng khiến nhiều doanh nghiệp bị từ chối bồi thường. Một số doanh nghiệp không khai báo ngay khi sự cố xảy ra hoặc không có đủ bằng chứng như hình ảnh, video, hóa đơn sửa chữa hay báo cáo giám định độc lập, dẫn đến yêu cầu bồi thường bị bác bỏ.

Để tránh rơi vào tình cảnh này, doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình khai báo của công ty bảo hiểm và chuẩn bị đầy đủ các tài liệu như hình ảnh, video thiệt hại, hóa đơn sửa chữa, hay báo cáo giám định từ bên thứ ba.

Song nói đi cũng phải nói lại, với trường hợp trên, nếu trách doanh nghiệp bất cẩn thì cũng không thể không trách công ty bảo hiểm “quên” tư vấn cho khách hàng. Hợp đồng bảo hiểm tài sản có nhiều điều khoản liên quan đến pháp lý chuyên ngành…, nên không phải khách hàng nào cũng có thể nắm rõ và cũng không phải doanh nghiệp nào cũng có đội ngũ pháp lý chuyên nghiệp để “check var”.

Trong nhiều trường hợp, khi ký hợp đồng bảo hiểm, đại lý/nhà tư vấn bảo hiểm không tư vấn cụ thể, kỹ lưỡng cho khách hàng về những quyền lợi và nghĩa vụ tương ứng với từng sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến việc người mua mơ hồ về những quyền lợi mà họ sẽ nhận được trong những tình huống khác nhau, cũng như không được lưu ý kỹ về những trách nhiệm mà họ phải thực hiện để duy trì hiệu lực cho hợp đồng bảo hiểm của mình. Đây có thể coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp giữa nhà bảo hiểm và khách hàng.

Hợp đồng bảo hiểm thường là những lời lẽ pháp lý, đặc biệt là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, các điều khoản quá dài khiến khách hàng ngại đọc, thậm chí có đọc cũng không thể hiểu hết để trao đổi với đại lý/nhà tư vấn bảo hiểm.

Đối với khách hàng lúc này, hợp đồng bảo hiểm vừa là “tấm khiên” bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp nhưng cũng đồng thời là “gót chân Asin” - tạo cơ hội cho các công ty bảo hiểm rũ bỏ trách nhiệm của mình.

Chia sẻ với Thương Gia, một số luật sư cho rằng để bảo vệ quyền lợi bảo hiểm của mình, các doanh nghiệp cần phải chú ý những điều sau:

Thứ nhất là đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm. Trước khi ký kết, doanh nghiệp phải nắm vững từng điều khoản trong hợp đồng, từ phạm vi bảo hiểm đến các điều khoản loại trừ. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tránh khỏi những bất ngờ không mong muốn khi yêu cầu bồi thường.

Thứ hai là lưu giữ hồ sơ tài liệu chi tiết. Việc chuẩn bị hồ sơ, chứng từ liên quan đến tài sản và thiệt hại là yếu tố then chốt. Đây chính là "bằng chứng vàng" giúp quá trình bồi thường diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Thứ ba là khai báo sự cố kịp thời. Ngay khi sự cố xảy ra, việc khai báo nhanh chóng với công ty bảo hiểm là điều cực kỳ quan trọng. Điều này giúp doanh nghiệp giữ vững quyền lợi bồi thường của mình và tránh tình trạng mất quyền yêu cầu do chậm trễ.

Thứ tư là hợp tác trong giám định thiệt hại. Trong quá trình giám định, doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với công ty bảo hiểm. Minh bạch và làm việc nhanh chóng sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý yêu cầu bồi thường.

Thứ năm là tham khảo luật sư khi cần. Nếu xảy ra tranh chấp, việc thuê luật sư sẽ mang lại sự chuẩn bị tốt hơn cho doanh nghiệp, giúp họ bảo vệ quyền lợi và xử lý các vấn đề pháp lý một cách hiệu quả.

Cuối cùng là xem xét phương án pháp lý cuối cùng. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận với công ty bảo hiểm, doanh nghiệp có thể cân nhắc việc đưa vụ việc ra Trọng tài thương mại hoặc Tòa án. Tuy nhiên, đây là giải pháp cuối cùng, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng về chi phí và thời gian.

Trong một thế giới ngày càng bất ổn bởi thiên tai, bảo hiểm tài sản chính là “phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp vượt qua sóng gió. Nhưng để sử dụng chiếc phao đó một cách hiệu quả, các doanh nghiệp cần chủ động nắm rõ hợp đồng bảo hiểm, tuân thủ quy trình và trang bị đầy đủ sự hỗ trợ pháp lý khi cần thiết.

Xem thêm

Hai kịch bản cho VN-Index sau tổn thất từ siêu bão Yagi

Hai kịch bản cho VN-Index sau tổn thất từ siêu bão Yagi

Theo nhận định của ABS, tình hình vĩ mô tháng 9 của Việt Nam sẽ xoay quanh hai vấn đề nóng là siêu bão Yagi và hành động của Fed. ABS cũng thiên về kịch bản VN-Index đi ngang trong biên độ 1.165 - 1.185 đến 1.300 điểm...

Xử lý ra sao các trường hợp chiếm đoạt tiền từ thiện, làm giả sao kê và “đu trend” cứu trợ bão lũ?

Xử lý ra sao các trường hợp chiếm đoạt tiền từ thiện, làm giả sao kê và “đu trend” cứu trợ bão lũ?

Dù đóng góp và giúp sức với bất kỳ hình thức nào, người của công chúng nói riêng và người dân nói chung nên có sự tìm hiểu kĩ càng, không nên mang danh từ thiện cứu trợ để trục lợi ngay tại thời điểm khó khăn này, để dẫn đến những hành vi đánh bóng tên tuổi hay phô trương phản cảm...

Có thể bạn quan tâm

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...