Hiện chưa rõ việc tái chuyển nhượng lô cổ phần 75,1% do Công ty Khoáng sản Hợp Thành đang nắm giữ sẽ được thực hiện trên nguyên tắc nào, đơn vị nào sẽ đứng ra mua lại, kinh phí sẽ được lấy từ đâu...
Cần phải nói thêm rằng, sau khi Kết luận thanh tra số 1566 chính thức được công bố hôm 1/10, việc thực hiện các nội dung và kiến nghị được Thanh tra Chính phủ nêu ra đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội và giới đầu tư.
Dư luận quan tâm là do tuy có quy mô vốn điều lệ chỉ vào khoảng 400 tỷ đồng, nhưng những sai phạm trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại Cảng Quy Nhơn lại xuất hiện ở hầu hết các khâu và có tính điển hình. Hậu quả cuối cùng mà những sai sót này dẫn tới là Nhà nước mất quyền chi phối không mong muốn tại một trong những cảng biển quan trọng ở khu vực miền Trung. Hơn thế, sự quan tâm của dư luận đối với vụ việc này không chỉ là bởi phương thức và cách thức mà Bộ GTVT sẽ thực hiện như thế nào nhằm thu hồi 75,01% cổ phần tại cảng Quy Nhơn được Thanh tra Chính phủ khẳng định là chuyển nhượng sai quy định.
“Hiện chưa rõ việc tái chuyển nhượng lô cổ phần 75,1% do Công ty Khoáng sản Hợp Thành đang nắm giữ sẽ được thực hiện trên nguyên tắc nào, đơn vị nào sẽ đứng ra mua lại, kinh phí sẽ được lấy từ đâu, bởi đây là việc chưa từng có tiền lệ trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Điều này càng phức tạp nhất là khi việc tái thu hồi phần vốn nhà nước phải được thực hiện cơ sở đảm bảo lợi ích cao nhất của Nhà nước, lợi ích của nhà đầu tư, sự phát triển bền vững, hiệu quả lâu dài của cảng Quy Nhơn.
Đó còn là thái độ nghiêm túc, cầu thị cần thiết của các tổ chức, cá nhân qua các thời kỳ, kể cả các cán bộ đã nghỉ hưu hay chuyển công tác trong quá trình kiểm điểm trách nhiệm đối với những sai phạm được Thanh tra Chính phủ đánh giá là nghiêm trọng, xuất hiện ở hầu hết các khâu trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại cảng Quy Nhơn.
Việc nhận thức khách quan đầy đủ sai sót, từ đó tìm ra nguyên nhân dẫn đến khuyết điểm, sai phạm trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại cảng Quy Nhơn của từng tổ chức, cá nhân để từ đó có hình thức xử lý, kỷ luật tương xứng... còn góp phần từng bước lấy lại niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.
Quan trọng hơn, việc kiểm điểm, thực hiện Kết luận số 1566 còn là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá toàn diện các quy định liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, trong đó có các quy định về tiêu chí, điều kiện lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và cổ đông sáng lập, đảm bảo cụ thể, thống nhất, thuận lợi trong quá trình thực hiện và quản lý. Điều này còn góp phần rà soát, hoàn thiện các quy định về thẩm định giá, tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để răn đe các hành vi thông đồng, trục lợi, làm thất thoát tài sản nhà nước của các tổ chức, cá nhân hành nghề thẩm định giá, đặc biệt là trong lĩnh vực cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước.
Theo Anh Minh/Báo Đầu tư\