Báo chí thời 4.0: Khi cái đầu người viết cũng cần được “mã hóa”, “nảy số”

Thực tế và những kinh nghiệm của báo chí trong nước, thế giới gần 10 năm qua đã chứng minh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là đòi hỏi mang tính sống còn với các cơ quan báo chí.

Các tác động đó không chỉ là nội dung, cách thể hiện gắn chặt với kỹ năng tác nghiệp của phóng viên mà còn là việc giải một bái toán khó cho nền kinh tế báo chí.

Không thay đổi, khó tồn tại!

Trong cuộc tọa đàm với chủ đề “Làm báo trong xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0” do Hội nhà báo Việt Nam tổ chức mới đây, nhà báo Hồ Quang Lợi - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - đánh giá rằng: “Thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là đòi hỏi mang tính sống còn với các cơ quan báo chí”. Thế nhưng, một điều đáng phải bàn nhất là hiện nay có bao nhiêu phần trăm trong số những người làm báo hiểu rõ và cụ thể thế nào là cách mạng công nghiệp 4.0 và các mối quan hệ giữa báo chí và cuộc cách mạng ấy. Nói ra như vậy để ngay từ mặt khái niệm và nhận thức sẽ tiến tới thay đổi tư duy và kỹ năng của những người làm báo.

Cách mạng 4.0 được hiểu là một cuộc đại cách mạng về khoa học và công nghệ mà ở đó các hệ thống thông minh chiếm vai trò chủ đạo, các hệ thống này có thể gồm hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), hệ thống nhúng (embedded system), hay các hệ thống tự động hóa, các hệ thống mạng cảm ứng (sensor networks), các hệ thống thời gian thực và các công nghệ in 3 chiều hay 4 chiều,... mà trung tâm của cuộc cách mạng này là giao tiếp giữa các nền tảng thông minh như các hệ thống thông minh di động, các hệ thống nhà máy thông minh hay các hệ thống tòa nhà dân dụng thông minh…

Các thay đổi về công nghệ tính theo đơn vị từng phút, từng giây làm thay đổi toàn bộ bề mặt xã hội, mà báo chí - một công cụ chính trong truyền thông và thông tin chịu tác động sâu sắc nhất.

Từ năm 2015, các chuyên gia báo chí của Đại học Clumbia – Mỹ đã chỉ ra rằng, cách mạng 4.0 tạo ra một lớp công chúng tương thích của thời kỳ truyền thông số. Chẳng hạn, thay bằng tiếp cận với các tờ báo in, kênh phát thanh hay truyền hình thuần tuý, công nghệ thực tại ảo (VR) và thực tại tăng cường (AV), hình thành “báo nhúng” trong đó, công chúng có thể tiếp nhận thông tin bằng cả cơ quan xúc giác và cảm xúc của mình, bởi họ như được tham gia chính vào thời điểm xảy ra sự kiện trong không gian ảo 3 chiều hay 4 chiều, nơi có thể tái hiện lại sự kiện, các nhân vật, âm thanh, tiếng động cũng được mô phỏng lại theo đúng ở hiện trường.

Công nghệ cảm ứng, sự phát triển của hạ tầng viễn thông, công nghệ 3G, 4G phát triển, song song với nó là mạng xã hội thịnh hành, thân thiện với người dùng, làm tăng đột biến số công chúng tiếp cận với thông tin qua thiết bị thông minh. Liên tục xuất hiện các nhóm công chúng mới (new audience) với đặc tính thích hợp với môi trường truyền thông số.

Sự phát triển thị trường truyền thông số đồng thời dẫn tới bất bình đẳng trong quyền tiếp cận thông tin với một số nhóm công chúng yếu thế (chẳng hạn như đồng bào dân tộc thiểu số) có thể lâm vào tình trạng thiếu sản phẩm báo chí thích hợp với họ, vì mảng này khó ứng dụng ICT trong sản xuất, kinh doanh và không phải là thị trường kinh doanh hấp dẫn.

Báo chí hiện đứng trước cuộc cạnh tranh hết sức khốc liệt

Báo chí hiện đứng trước cuộc cạnh tranh hết sức khốc liệt

“Điều quan trọng là cách mạng công nghệ làm xuất hiện các dòng sản phẩm hàng hóa và cả tiêu chí về sáng tạo nội dung báo chí và giá trị nội dung báo chí đối với nhà quảng cáo đã biến đổi. Những bài bình luận nghiêm túc nhưng dài dòng nay thiếu sức hút công chúng, thay vào đó là thông tin đồ hoạ và các loại hình sản phẩm báo chí đa phương tiện, chẳng hạn như các siêu tác phẩm số (mega-stories), báo chí dữ liệu và tích hợp tính nghệ thuật, giải trí trong các sản phẩm báo chí truyền thông (chẳng hạn các clip dạng live-stream trên mạng xã hội).

“Quan trọng nhất khách hàng - công chúng, giá trị giáo dục, tư tưởng, giá trị kinh tế và giải trí của sản phẩm báo chí truyền thông cùng thay đổi tất yếu dẫn đến sự thay đổi của nhà sản xuất báo chí truyền thông. Các cơ quan báo chí, bộ phận truyền thông trong các tổ chức, các doanh nghiệp truyền thông buộc phải thay đổi quy trình sản xuất sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh”, nghiên cứu của Đại học Clumbia chỉ rõ.

Dưới tác động của Cách mạng 4.0, hàng loạt tờ báo hàng đầu của Mỹ, phương Tây và cả khu vực châu Á có tính tương đồng với báo chí Việt Nam đã buộc phải thay đổi về các cách thức tiếp cận với độc giả và công chúng. Việc đầu tiên là giảm hoặc đóng cửa báo in để dồn nguồn lực cho phát triển các nền tảng công nghệ tiếp cận bạn đọc.

Theo các nhà nghiên cứu, trong 15 năm qua, hơn 2.100 tòa báo địa phương và báo giấy ở các thành phố, thị trấn của Mỹ đã phải đóng cửa. Số lượng việc làm ở các tòa báo cũng giảm một nửa kể từ năm 2004. Nhiều ấn phẩm phải “vật lộn” để tồn tại khi ngày càng có nhiều độc giả chuyển sang xem tin tức trên internet. Thị trường quảng cáo cho báo in ở Mỹ cũng tuột dốc sau cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế giai đoạn 2007 - 2009 và sự nổi lên của những “người khổng lồ” như Google và Facebook, hiện thống trị thị trường quảng cáo kỹ thuật số.

Người làm báo phải “mã hóa” và “nảy số”

Người làm báo trong thời đại 4.0 phải “mã hóa” và “nảy số”

Người làm báo trong thời đại 4.0 phải “mã hóa” và “nảy số”

Việc các cơ quan báo chí trên toàn thế giới thay đổi để tồn tại nhưng nhiều chuyên gia báo chí truyền thông và cả những “ông trùm” báo chí cũng đã chỉ rõ công nghệ vẫn là cốt lõi nhưng nhân tố con người mới là quan trọng nhất. Cuộc cách mạng 4.0 đã làm thay đổi nền tảng nhưng cũng tạo những người làm báo “thế hệ mới” với một tốc độ chưa từng có.

Đến thời điểm hiện tại, điều này không còn là lý luận nữa mà mang tính chất sống còn của mỗi cơ quan báo chí và tòa soạn báo. Giờ đây, một nhà báo không chỉ cần thành thạo kỹ năng viết tin, bài, chụp ảnh mà còn phải biết quay video clip về cùng một sự kiện, bảo đảm rằng sản phẩm của mình có thể được sử dụng cho cả báo in, báo điện tử, báo hình và phát thanh. Phương tiện tác nghiệp giờ không còn là cuốn sổ với cây bút hay máy tính xách tay. Thay vào đó, nhiều khi nhà báo cần phải biết sử dụng chiếc điện thoại thông minh như một “tòa soạn thu nhỏ”, nhanh chóng chuyển tác phẩm về tòa soạn và sau đó, đến bạn đọc dưới nhiều hình thức khác nhau.

Thế nhưng khó khăn cũng là cơ hội. Giữa môi trường truyền thông mở, đội ngũ phóng viên báo chí được thỏa sức sáng tạo ra những sản phầm truyền thông mới, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Những sản phẩm báo chí multimedia (đa phương tiện) ra đời, với các kiểu bài như infographics, mega story, e-magazine, long-form,… đã không còn xa lạ với độc giả, tạo nên những món ăn tinh thần mới mẻ, khác với những bài báo chỉ gồm chữ viết và ảnh minh họa đơn thuần. 

Những cơ hội tuyệt vời để sáng tạo đó đồng nghĩa với việc đặt đội ngũ những người làm báo trước thách thức không nhỏ trong việc trau dồi kỹ năng, cập nhật công nghệ và phải luôn tự làm mới những tác phẩm của mình. Sự cạnh tranh giữa các loại hình truyền thông, đặc biệt là các sản phầm truyền thông mới vừa “làm khó” nhưng cũng vừa là động lực để nhà báo bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại.

Thế nhưng, cách thức tác nghiệp và kỹ năng nghề nghiệp của người làm báo theo dạng “mã hóa, nảy số” trong kỷ nguyên 4.0 chỉ là “một nửa” trong linh hồn người làm báo. Phó Chủ tịch phụ trách mảng tin tức của Google, ông Richard Gingras nhấn mạnh: “Tâm huyết, sự đam mê theo đuổi lý tưởng, công bằng và công lý mới dẫn tới những thành công của người làm báo. Tất nhiên, nó phải dựa trên một nền tảng quan trọng khác là tố chất và tư duy”.

Google hiện là một trong những người khổng lồ thống trị thị trường quảng cáo kỹ thuật số
Google hiện là một trong những người khổng lồ thống trị thị trường quảng cáo kỹ thuật số

Đối với những người làm báo Việt Nam, các thách thức về sự thay đổi thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0 còn có những đòi hỏi cao hơn nữa bởi vai trò của đội ngũ những người làm báo còn được xác lập thêm các điều kiện khác.

Tại hội thảo “Rèn luyện đạo đức và kỹ năng làm báo trong thời đại 4.0” vừa được tổ chức tại tỉnh Hưng Yên, có sự tham gia của hơn 20 cơ quan báo chí khu vực phía Bắc được tổ chức mới đây, nhiều ý kiến thống nhất rằng, chính đạo đức của người làm báo, thái độ trân trọng sự thật, trách nhiệm với tin tức và sự dấn thân là những giá trị cơ bản, xuyên suốt của nghề báo. “Đó là thứ mà không máy móc hay công nghệ nào thay thế được. Quan trọng là các cơ quan báo chí phải định hướng và tạo ra lớp người làm báo đáp ứng được những tiêu chí về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp”- nguyên Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi chia sẻ.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí và mạng xã hội tại Việt Nam

Theo tính toán của, doanh thu quảng cáo trực tuyến của Việt Nam năm 2010 khoảng 26 triệu USD, trong đó miếng bánh cho Google còn rất nhỏ và Facebook gần như không có gì. Đến năm 2018, tổng doanh thu trực tuyến chúng ta đạt tới 550 triệu USD, và điều đáng nói là Facebook và Google cộng lại là 387 triệu USD, chiếm gần hết số doanh thu này.

Năm 2019 thống kê chưa đầy đủ cho thấy, tổng doanh thu ngành quảng cáo trực tuyến vào khoảng 630 triệu USD, và doanh thu tương ứng của Facebook và Google tăng lên theo, tổng cộng khoảng 450 triệu USD.Trong khi đó, tỷ lệ cơ quan báo chí được hưởng doanh thu từ quảng cáo trực tuyến giảm xuống 31% năm 2018 và tiếp tục giảm xuống 29% năm 2019 so với 81% của 2010.

Có thể bạn quan tâm