Tham gia sự kiện có đồng chí Thuận Hữu - Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc TTXVN; đồng chí Nguyễn Doãn Toản – Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội.
Về phía Hội Nhà báo Việt Nam, có đồng chí Hồ Quang Lợi– Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN; đồng chí Mai Đức Lộc – Phó Chủ tịch HNBVN; đồng chí Nguyễn Bé – Phó Chủ tịch HNBVN cùng lãnh đạo các phòng ban cơ quan Trung ương HNBVN và lãnh đạo các cơ quan báo chí, lãnh đạo các cấp Hội Nhà báo trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc Gala, nhà báo Lê Trần Nguyên Huy – Tổng biên tập báo Nhà báo và Công luận khẳng định: Hiện nay, ngoài chú trọng đầu tư nội dung, hình thức các ấn phẩm, để nối dài hiệu quả xã hội ngoài trang báo, báo Nhà báo & Công luận đã tổ chức hàng loạt các chương trình văn hóa, giao lưu nghệ thuật nhằm tạo hiệu ứng xã hội, nâng cao vị thế của tờ báo như các chương trình: Ngòi bút lửa, Vầng trăng cổ tích, Vang mãi bản hùng ca, Xuân miền trung ấm áp…
Tuy nhiên, dù tạo tiếng vang và mang lại những hiệu quả thông tin nhất định, những chương trình giao lưu nghệ thuật này chưa thật sự làm nổi bật được tôn chỉ, mục đích cũng như chức năng của báo Nhà báo & Công luận trên tinh thần là Diễn đàn của giới báo chí cả nước. Đó là lý do khiến Báo Nhà báo & Công luận xây dựng kế hoạch tổ chức Gala báo chí thường niên với mong muốn gắn kết các cơ quan báo chí với các nhà quản lý báo chí, các nhà báo là lãnh đạo cơ quan báo chí trên nền những vấn đề, xu hướng, câu chuyện báo chí nổi bật trong năm.
Một điểm nhấn quan trọng trên sân khấu Gala báo chí lần thứ nhất “Nhìn lại và đi tới” là talkshow “Tổng biên tập 4.0 - Thời cơ và thách thức”.
Talkshow đưa ra tầm quan trọng của việc những người làm báo Việt Nam phải thay đổi để thích nghi với những biến chuyển về công nghệ làm báo, cách thức tiếp cận thông tin của công chúng báo chí. Đặc biệt là thực tế bùng nổ kỹ thuật số với cuộc cách mạng khoa học 4.0, sự gia tăng đột biến những “lực lượng làm báo” phi truyền thống là sự thật nhưng thách thức luôn mở ra cơ hội, trở ngại luôn tạo nên động lực.
Nhà báo Lê Quốc Minh – Phó Tổng giám đốc TTXVN khẳng định: Đối với TTXVN thì khoảng 5, 6 năm vừa qua chúng tôi đã đầu tư công nghệ rất nhiều và những sản phẩm mà TTXVN đưa ra có thể nói là hiếm hoi về công nghệ 4.0 trong giới báo chí Việt Nam. Ví dụ như chúng tôi đưa ra chatbot, trở thành cơ quan báo chí chính thống đầu tiên của Việt Nam sử dụng chatbot để kết nối với độc giả thuận lợi hơn. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu một số các hệ thống tự động nhận biết giọng nói, một số hệ thống trí tuệ nhân tạo thông minh...
Bên cạnh đó, ông cũng bàn thêm rằng, việc đầu tư sản xuất nội dung cũng rất quan trọng trong biển thông tin lớn hiện nay. Do đó, yếu tố nhân lực, truyền cảm hứng, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp cho đội ngũ phóng viên, nhân viên luôn được lãnh đạo hãng Thông tấn hàng đầu Quốc gia này quan tâm. Với các cơ quan thông tấn lớn, đơn vị báo chí lớn thì sẽ tổ chức thực hiện tin tức quy mô lớn, thực hiện các nội dung chuyên biệt hướng đến nhiều đối tượng công chúng với từng nhu cầu. Còn với những đơn vị báo chí cấp độ nhỏ hơn sẽ đi theo thị trường ngách, đi theo hướng chuyên biệt.
Ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đưa ra 5 vấn đề cần giải quyết. “Thứ nhất, là nội dung, người ta bảo nội dung là trái tim của báo chí cho dù đó là loại hình nào: báo in, phát thanh, báo điện tử… đó là cái cốt lõi. Để có nội dung tốt thì phải có cái thứ hai – nhưng là quan trọng nhất, đó là con người, là tổ chức bộ máy và cung cách quản lý, quản trị của cơ quan báo chí. Thứ 3 là kỹ thuật và công nghệ. Thứ 4, tờ báo phải có nền tài chính. Bây giờ làm báo mà không có nền tài chính vững mạnh thì đừng nói về đổi mới công nghệ, đừng nói về việc có nhân sự tốt và càng khó để có nội dung tốt. Thứ 5 là công chúng. Chúng ta bán hàng cho ai? Công chúng là người mua hàng của chúng ta. Họ bỏ tiền ra để họ hưởng thụ thông tin. Chúng ta không biết thị hiếu của công chúng – đương nhiên đây là thị hiếu lành mạnh, đàng hoàng. Nếu chúng ta giải quyết 5 vấn đề đó thì mới là giải pháp đồng bộ của cơ quan báo chí”.
Cũng tại sân khấu talk, ông Ngô Việt Anh, Tổng biên tập báo điện tử Tri Thức Trực Tuyến (Zing.vn) chia sẻ cơ hội và thách thức với những tờ báo non trẻ, nằm ở sự khác biệt đến từ việc hiểu được nhu cầu của độc giả và sự đáp ứng được cho độc giả của tờ báo. "Zing.vn tập trung vào báo chí trực quan (ảnh, video, đồ họa). Đây là nhu cầu của độc giả phát sinh trong giai đoạn gần đây khi Internet phát triển. Zing.vn đã tập trung đẩy toàn lực vào lĩnh vực đó và tạo ra một số giá trị nhất định", ông Việt Anh nói.
Còn với ông Lê Xuân Sơn – Tổng biên tập báo Tiền Phong đã mang đến câu chuyện thay đổi của một tờ báo in truyền thống với những dấu ấn trong việc đầu tư phát triển nội dung. Ông bảo rằng: Nếu chúng ta không thay đổi được tất cả thì thay đổi từng khu vực và thử nghiệm trong từng dự án…“Chúng tôi không chạy theo sự cạnh tranh với mạng xã hội và báo điện tử về thông tin nhanh được, mà buộc phải đi vào các chuyên đề. Chúng tôi tập trung làm sâu, phân tích từng chuyên đề, thậm chí có những số báo làm tới 3 chuyên đề...".
Cũng tại Gala, ngoài sảnh lớn là triển lãm ảnh với 50 bức ảnh được trưng bày. Trong số đó, Ban tổ chức đã trao giải tại buổi lễ cho 11 tác giả đoạt giải “Khoảnh khắc báo chí 2018” (10 tác giả lọt vào top 10 tác phẩm xuất sắc và 1 tác giả đoạt giải ấn tượng). Các tác phẩm dự thi và đoạt giải đã phản ảnh sinh động, đa dạng và sáng tạo về thực tế cuộc sống, phát hiện những góc nhìn ấn tượng, sâu sắc về các vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội.
Các bức ảnh toát lên được trách nhiệm xã hội, thái độ nghiêm túc với sản phẩm báo chí. Xuất sắc nhất là tác phẩm "Những người dân Thủ Thiêm hàng chục năm miệt mài đòi công lý" của phóng viên Hữu Khoa – báo điện tử VnExpress đã dành giải ấn tượng, với trị giải thưởng lên tới 30 triệu đồng.
Khoa kể rằng: Khi đi qua khu vực Thủ Thiêm, Khoa thấy hoàn cảnh của bà con có nhà trong dự án này rất vất vả, phải sống trong điều kiện thiếu thốn về vật chất, điện nước và các dịch vụ phúc lợi không có… Thấy cuộc sống bà con khó khăn quá nên Khoa cứ bấm máy, lúc đó chỉ xuất phát từ lòng thương cảm và chủ ý làm tư liệu cho bản thân.
Hữu Khoa cũng chia sẻ thêm: “Ban đầu khi dự án Thủ Thiêm chưa được cơ quan Nhà nước chỉ ra sai phạm, thì tất cả báo chí thời đó không được đưa tin hay nói về dự án này. Vì vậy, Khoa cũng gặp nhiều khó khăn khi vào khu vực này tác nghiệp. Cho đến thời điểm 2018, khi dự án Thủ Thiêm được vạch ra sai phạm, Khoa đã tìm về những căn nhà còn sót lại ở khu này, tìm kiếm những nhân vật mà em đã chụp và ghi nhận 8 năm về trước để xem cuộc sống của họ giờ ra sao? Khi dự án Thủ Thiêm được công bố sai phạm, bộ ảnh được đăng tải trên báo em rất vui, vui không phải vì có nhuận bút mà thấy những nỗi cơ cực, vất vả của người dân được dư luận biết đến. Qua bộ ảnh, Hữu Khoa mong muốn khi các cơ quan có thẩm quyền khi đưa ra một quyết định gì liên quan đến đời sống của người dân cần phải xem xét thật kỹ lưỡng, phải chính xác, lắng nghe đầy đủ các ý kiến và nguyện vọng của nhân dân..
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, đồng chí Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Kỷ nguyên số 4.0 cho phép những người làm báo cách mạng Việt Nam nhiều phương tiện, nhiều “vũ khí” hơn để thuận lợi hơn trong việc hoàn thành vai trò cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, của hệ thống chính trị, diễn đàn rộng rãi của nhân dân. Kỷ nguyên số 4.0 cũng đồng thời tạo áp lực để mỗi nhà báo, mỗi cơ quan và loại hình báo chí cần khách quan, thẳng thắn nhìn nhận lại chính mình, xét lại ý chí, tri thức và nghị lực của mình, xét lại cái Tâm của mình để đủ dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai, cái xấu, để mỗi nhà báo, mỗi tờ báo thực sự là cột mốc vững chãi, đáng tin cậy giữa “biển sóng” thông tin trong đa chiều.
Gala báo chí trở thành cơ hội để báo chí, các nhà báo là lãnh đạo cơ quan báo chí cùng chia sẻ về những thời cơ cũng như áp lực, thách thức mà các toà soạn đang và sẽ phải trải qua trong dòng chảy báo chí thời 4.0, khuấy động câu chuyện vận hành tờ báo trong xu thế 4.0 đồng thời góp phần cổ vũ các tờ báo, các TBT tìm ra cho mình một lối đi đúng đắn nhất, nhanh nhất để giới báo chí cùng đồng hành tạo nên những nguồn thông tin có giá trị với bạn đọc. Dự kiến, Gala sẽ được tổ chức vào hàng năm.