Tại Tọa đàm “Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình” vừa mới diễn ra, các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng bàn luận, phân tích về những tiềm năng, lợi thế của Hòa Bình để đón đầu cơ hội trở thành trung tâm nghỉ dưỡng cuối tuần của khu vực miền Bắc; Giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô; Cơ hội đầu tư sinh lời dài hạn vào bất động sản nghỉ dưỡng Hòa Bình…
Tiềm năng chờ “thức giấc”
Phát biểu tại Toạ đàm, PGS.TS. Trần Kim Chung cho rằng có nhiều lý do để khách hàng chọn lựa sản phẩm bất động sản để đầu tư ở những địa bàn xung quanh Hà Nội trong đó có Hòa Bình. Đó là vị trí cận kề Hà Nội với chỉ 1 giờ di chuyển do có các tuyến đường lớn kết nối như Đại lộ Thăng Long.
Đồng thời, Hòa Bình có nhiều điều kiện tự nhiên để phát triển loại hình nghỉ dưỡng như có nguồn nước khoáng Kim Bôi hay Mỹ Hảo, có văn hóa Mường - đây là nền văn hóa đầy tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Hoà Bình còn có hồ nước thuỷ điện, có tiềm năng đem lại giá trị rất lớn về du lịch mà nhiều năm nữa cũng chưa khai thác hết.
“Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Hoà Bình là điểm đến của nhà đầu tư vô cùng tiềm năng trong tương lai. Hoà Bình còn được ví như “của để dành” và đã đến lúc cần được khai thác, phát huy những giá trị, ưu thế sẵn có”, PGS.TS. Trần Kim Chung nhận định.
Còn chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho hay, Hòa Bình có vị trí lý tưởng để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng “phi biển” trong đó có mô hình căn nhà thứ hai cho một bộ phận cư dân Hà Nội nhờ vị trí cận kề chỉ cách 73km và nằm trong Vùng Thủ đô.
“Địa hình và điều kiện tự nhiên Hòa Bình rất phù hợp phát triển bất động sản nghỉ dưỡng “phi biển” với đồi núi trùng điệp, nhiều hang động như Thác Bờ, Hang Rết, động Hoa Tiên, những hang động thiên tạo đa dạng hình thù trên đỉnh Phù Bua và nền văn hoá Mường truyền thống đặc sắc có từ lâu đời...”, TS. Ánh nói.
Đánh giá về lợi thế thu hút du lịch của Hoà Bình, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, nhờ cảnh quan được thiên nhiên ưu đãi, kế hợp với lợi thế khí hậu ôn hòa quanh năm. Theo đó, Hoà Bình rất thích hợp cho việc phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và tiềm năng phát triển còn rất lớn.
Ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết thêm, để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, tỉnh Hoà Bình đang huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng. Đồng thời, tỉnh đang tạo điều kiện thuận lợi cho một số tập đoàn lớn có thương hiệu về đầu tư và phát triển du lịch trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát lập các dự án quy mô lớn, chất lượng cao.
“Hiện, Hòa Bình có khoảng 20 dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang được triển khai thực hiện với nguồn vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng, mang đến những cơ hội gia tăng giá trị cao, hấp dẫn giới đầu tư”, ông Trường cho hay.
Hướng phát triển bền vững
Theo TS. Vũ Đình Ánh, dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến tâm lý của người dân Thủ đô có điều kiện. Cánh cửa phát triển bất động sản nghỉ dưỡng “phi biển” đã mở rộng cho Hòa Bình với các ưu thế vượt trội về vị trí, điều kiện tự nhiên, môi trường kinh tế - văn hóa - xã hội và sức hấp dẫn các nguồn lực đầu tư.
Tuy nhiên, thành công khi bước qua cánh cửa đó giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng nắm bắt cơ hội và tạo điều kiện biến Hòa Bình trở thành trung tâm nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam thông qua quy hoạch, cơ chế chính sách của chính quyền và sự hợp tác của người dân Hòa Bình.
PGS.TS. Trần Kim Chung đánh giá, Hoà Bình cần xây dựng thương hiệu du lịch thông qua một hoặc một vài dự án tập trung, quy mô, mang dấu ấn đặc trưng của Hòa Bình.
Bên cạnh đó, ông Chung cho rằng, Hoà Bình cũng nên chú trọng thu hút đầu tư vào hạ tầng, vào du lịch một cách bài bản, hướng tới các nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư thứ cấp, phải sinh. Đồng thời, tạo dựng các chương trình thu hút đầu tư vào thị trường bất động sản Hòa Bình nói chung và bất động sản du lịch Hòa Bình nói riêng.
Dưới góc độ là nhà đầu tư tiên phong phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở Hoà Bình với dự án Sakana Spa&Resort, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng Ngoại Ô đánh giá, tiềm năng bất động sản du lịch Hoà Bình có thể ví như “nồi cơm Thạch Sanh” ăn mãi không vơi, nhưng chỉ khi các chủ đầu tư phải đặt yếu tố bảo tồn thiên nhiên lên hàng đầu.
Theo ông Trung, doanh nghiệp đầu tư dự án tại Hòa Bình thay vì nhìn nhận trách nhiệm với môi trường là một gánh nặng, thì phải xem đây là một trong những cốt lõi tạo nên giá trị sản phẩm. Lấy “vốn tự nhiên” là một trong những loại vốn trọng tâm có tầm quan trọng không kém vốn tài chính hay vốn sản xuất.
“Hòa Bình có lợi thế về khí hậu, vị trí địa lý nhưng nếu không có giải pháp tốt, thì tự thân chủ đầu tư làm mất đi giá trị mà đáng ra mình được hưởng”, ông Trung nêu.
Đưa ra một số giải pháp cho các doanh nghiệp, ông Trung cho hay, các doanh nghiệp nên lựa chọn hình thức dự án phù hợp với điều kiện tự nhiên hiện có, quy hoạch hài hoà, tôn trọng tự nhiên, thiết kế kiến trúc cộng sinh với thiên nhiên; thiết kế cảnh quan phát huy tính bản địa; thi công tân thiện, áp dụng công nghệ cao để gìn giữ thiên nhiên và vận hành bền vững, thường xuyên tương tác với thiên nhiên và có những giải pháp bảo tồn, tôn tạo.
“Đối với vùng trung du miền núi như Hòa Bình, vấn đề hài hòa với thiên nhiên là yếu tố sống còn của mọi dự án. Chúng tôi hy vọng tất cả các doanh nghiệp cùng chung tay vì sự phát triển bền vững”, ông Trung kỳ vọng.