Cụ thể, Tập đoàn T&T kiến nghị Nhà nước thu mua lại toàn bộ hơn 5 triệu cổ phần bán cho cổ động chiến lược với giá 11.000 đồng/cp. Tổng giá trị là 55,44 tỷ đồng theo Hợp đồng mua bán cổ phần ký kết ngày 6/10/2015.
Đồng thời, Nhà nước mua lại toàn bộ 3,6 triệu cổ phần chào bán lần đầu của bệnh viện GTVT trên Sở chứng khoán mà Tập đoàn T&T đã mua trúng đấu giá với giá mua là 26.000 đồng/cp, tổng số tiền mua trúng đấu giá đã thanh toán là 93,6 tỷ đồng.
Tổng số cổ phần kiến nghị Nhà nước mua lại là 8,640 triệu cổ phần, với tổng số tiền nhà đầu tư đã thanh toán là 149,040 tỷ đồng.
Đồng thời, T&T cũng kiến nghị Nhà nước thanh toán số tiền lãi phát sinh từ khoản tiền nêu trên tính từ ngày Tập đoàn này đã thanh toán cho bên bán cho tới ngày Tập đoàn T&T được thanh toán hoàn trả lại như đề xuất.
Đại diện T&T khẳng định, Tập đoàn T&T không tham gia vào HĐQT, Ban kiểm soát, Ban điều hành của CTCP bệnh viện GTVT ngay khi được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kiến nghị rút toàn bộ vốn đã đầu tư và nhận được số tiền thanh toán hoàn trả.
"Sở dĩ Tập đoàn T&T muốn thoái vốn là bởi theo tính toán của Bộ GTVT, sau khi quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện và hạch toán các chi phí cổ phần hóa, vốn điều lệ của CTCP Bệnh viện GTVT sẽ tăng từ 168 tỷ đồng lên 391,4 tỷ đồng, trong đó, phần vốn của Nhà nước khoảng 278,4 tỷ đồng, chiếm 71,12%.
Như vậy, tỷ lệ nắm giữ của nhóm cổ đông chiến lược là Tập đoàn T&T sau khi Bệnh viện Giao thông Vận tải tăng vốn điều lệ sẽ giảm xuống 28,88%. Với tỷ lệ sở hữu này, nhà đầu tư chiến lược không có quyền phủ quyết và tiếng nói không có nhiều trọng lượng trong điều hành.
Được biết, Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương là bệnh viện công lập đầu tiên được thí điểm cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tuy nhiên, sau cổ phần hóa kết quả kinh doanh của bệnh viện có vẻ kém khả quan khiên liên tiếp báo lỗ. Theo BCTC kiểm toán năm 2018, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 183 tỷ đồng, không biến động nhiều so với năm 2017.
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp trong kỳ phát sinh cao hơn so với mức doanh thu thuần mà bệnh viện GTVT 188 tỷ đồng. Điều này đã khiến cho bệnh viện GTVT lỗ 4,3 tỷ đồng về bán hàng và cung cấp dịch vụ.
Tính đến cuối năm 2018, bệnh viện GTVT tiếp tục ghi nhận khoản lỗ trên 33 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế của bệnh viện lên tới 91 tỷ đồng, trong khi đó vốn góp chủ sở hữu của bệnh viện là 168 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản của bệnh viện GTVT là 346 tỷ đồng, giảm 12% so với cuối năm 2017; nợ phải trả giảm mạnh từ 271 tỷ xuống chỉ còn 33 tỷ đồng do cùng kỳ năm 2017, GTVT phát sinh khoản trả Nhà nước lên tới 224 tỷ đồng.
>> Bầu Hiển được đề xuất giao 3,2 ha đất vàng Hàng Đẫy không qua đấu giá