Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 20/12/2017 - 31/12/2018, bầu Kiên đăng ký bán hơn 4 triệu cổ phần của VietBank để giảm số cổ phần sở hữu từ gần 14,8 triệu cổ phiếu xuống còn 10,7 triệu cổ phiếu, tương đương 3,322% vốn điều lệ của ngân hàng.
Cùng thời gian trên, ông Đặng Công Minh và bà Nguyễn Thị Kim Thanh – bố mẹ bà Đặng Ngọc Lan đăng ký chuyển nhượng 1, 25 triệu cổ phần và 2,8 triệu cổ phần Vietbank.
Hiện ông Đặng Công Minh và bà Nguyễn Thị Kim Thanh đang nắm giữ hơn 8 triệu cổ phần (2,47%) và hơn 14 triệu cổ phần (4,33%). Nếu giao dịch thành công, lượng cổ phần nắm giữ của hai người này sẽ giảm xuống lần lượt còn 6,8 triệu cổ phần (2,1%) và 11,2 triệu cổ phần (3,47%) Vietbank.
Như vậy, nếu thực hiện thành công toàn bộ giao dịch này, nhóm cổ đông liên quan đến bầu Kiên sẽ giảm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ VietBank từ 16% xuống còn khoảng 13,5%.
Bà Đặng Ngọc Lan, vợ của bầu Kiên và hiện đang là thành viên Hội đồng quản trị VietBank, cũng đang nắm giữ gần 15 triệu cổ phần VietBank tương đương với 4,608% vốn điều lệ.
Theo kết quả kinh doanh năm 2016, vốn điều lệ của VietBank khá khiêm tốn 3.249 tỷ đồng, chỉ cao hơn một chút so với quy định vốn pháp định tối thiểu của NHNN là 3.000 tỷ đồng. VietBank có tổng tài sản là 36.702 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế cả năm 2016 là 69 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 27% kế hoạch.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, VietBank là một trong số ít ngân hàng giảm về tổng tài sản và cho vay khách hàng. Tính đến hết 30/9/2017, tổng tài sản của ngân hàng đạt 34.973 tỷ đồng, giảm 4,6% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 23.870 tỷ đồng, giảm 9,3%. Tiền gửi huy động của khách hàng đạt 30.442 tỷ đồng, tăng không đáng kể.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, VietBank ghi nhận lãi trước thuế đạt 73,4 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu tại tăng từ 1,69% đầu năm lên 1,74%.
>> Bầu Kiên đang có cơ hội lớn "đút túi" gần 200 tỷ đồng