Theo SHS, nếu đợt tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược lần thứ 4 này thất bại, VEAM sẽ cộng vốn nhà nước trong cơ cấu vốn điều lệ của Tổng công ty và sẽ bán tiếp sau khi doanh nghiệp chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP.
Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), đơn vị tư vấn cổ phần hóa cho Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) vừa thông tin như vậy.
Lý do vì việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược dưới giá trúng thầu bình quân trong đợt đấu giá cổ phần lần ra công chúng (IPO) mới đây không được phép thực hiện.
Từ ngày 10/10 đến ngày 17/10, VEAM tiếp tục thực hiện đợt 4 tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần để thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty. Quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của VEAM đã trải qua 3 đợt. Đợt đầu được chào cho các đối tác là những tập đoàn nước ngoài sản xuất ô tô, xe máy hàng đầu thế giới đang thực hiện liên doanh với Tổng công ty như Honda, Toyota, Ford…, song không thành công.Đợt hai, VEAM chào cho các đối tác trong nước, đã có 7 tổ chức đến gặp gỡ tìm hiểu cơ hội đầu tư, nhưng cuối cùng chỉ có Vinamco gửi văn bản xác nhận khối lượng với giá 10.050 đồng/CP. Đợt 3 lựa chọn đối tác chiến lược diễn ra từ ngày 5 đến 15/9/2016, thời gian nhận hồ sơ đăng ký từ ngày 8 - 22/8/2016. Tuy nhiên, kết thúc thời gian trên, không có thêm nhà đầu tư mới nào tham gia.VEAM được phê duyệt có vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng, tương ứng 132,88 triệu cổ phần. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 51% (677.688.000 cổ phần); cổ phần ưu đãi bán cho người lao động 5.669.100 cổ phần, chiếm 0,43%; các nhà đầu tư qua đấu giá 167.074.900 cổ phần, chiếm 12,57%; nhà đầu tư chiến lược 478.368.000 cổ phần, chiếm 36%.