EU có thể điều tra Temu vì cáo buộc bán sản phẩm bất hợp pháp

Người tiêu dùng EU lo ngại về những sản phẩm "độc hại" có thể được mua một cách dễ dàng trên Temu.

EU có thể điều tra Temu vì cáo buộc bán sản phẩm bất hợp pháp

Brussels đang chuẩn bị mở cuộc điều tra Temu, doanh nghiệp mua sắm trực tuyến của Trung Quốc, trong bối cảnh lo ngại rằng nền tảng thương mại điện tử này không ngăn chặn được việc bán các sản phẩm bất hợp pháp.

Theo các quan chức EU, cuộc điều tra có thể được tiến hành trong những ngày tới theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số của khối (Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) là một quy định của EU được thông qua vào năm 2022, nhằm giải quyết vấn đề nội dung bất hợp pháp, quảng cáo minh bạch và thông tin sai lệch). Nó có thể dẫn đến khoản tiền phạt lên tới 6% doanh thu hàng năm trên toàn cầu của Temu.

Ủy ban châu Âu cho biết đầu tháng này đã yêu cầu Temu cung cấp thông tin về các hành động của công ty nhằm hạn chế việc bán các mặt hàng bất hợp pháp "cũng như các rủi ro liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng và phúc lợi của người sử dụng".

Temu đã có phản hồi với yêu cầu này, một phát ngôn viên của ủy ban cho biết. Các câu trả lời của công ty đang được phân tích và có thể dẫn đến một cuộc điều tra chính thức được tiến hành, nhưng chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra cho đến nay, người phát ngôn cho biết thêm.

Các nhóm bảo vệ người tiêu dùng tại EU đã cảnh báo về tỷ lệ lớn các sản phẩm nguy hiểm được bán trên các nền tảng trực tuyến bao gồm Temu và Shein của Trung Quốc, không tuân thủ các quy định về an toàn và người tiêu dùng của EU, đồng thời bỏ qua các biện pháp kiểm soát bằng cách bán trực tiếp cho khách hàng.

Một cuộc khảo sát gần đây kiểm tra đồ chơi được bán trên Temu và các nền tảng trực tuyến khác cho thấy 80% các mặt hàng này là độc hại hoặc gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em.

Các nền tảng không chịu trách nhiệm đối với các sản phẩm do các nhà cung cấp khác bán, nhưng họ có thể bị điều tra vì không kiểm soát nội dung và hàng hóa có sẵn để khách hàng mua.

Brussels đã áp dụng các chính sách quyết liệt hơn trong không gian kỹ thuật số khi cố gắng chống lại sự thống trị của các nhà bán lẻ và nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến lớn. Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số, được thông qua vào năm 2022, trao cho ủy ban quyền hạn rộng rãi để phạt các công ty trực tuyến lớn vì không kiểm soát nội dung bất hợp pháp trên nền tảng của họ. Năm nay, Brussels đã mở các cuộc điều tra chính thức đối với Meta, AliExpress, TikTok và X.

Temu, được ra mắt vào năm 2022, đã nhanh chóng mở rộng hoạt động ra gần 50 quốc gia chỉ trong vòng hai năm nhờ chiến lược giá cực thấp.

Nhưng những vấn đề bắt đầu xuất hiện trong sự tăng trưởng chóng mặt của chủ sở hữu PDD Holdings khi cổ phiếu của công ty này đã giảm 18% vào tháng 8 sau khi công bố doanh thu thấp hơn dự kiến ​​là 97,1 tỷ nhân dân tệ (13,6 tỷ USD) trong ba tháng kết thúc vào tháng 6.

Ủy ban đầu năm nay đã chỉ định Temu là "Nền tảng trực tuyến rất lớn" khiến nền tảng này chịu sự giám sát chặt chẽ hơn từ Brussels. Nền tảng này lần đầu tiên được yêu cầu cung cấp thêm thông tin về những nỗ lực kiểm soát việc bán hàng hóa bất hợp pháp, cùng với nhà bán lẻ thời trang nhanh Shein, vào tháng 6.

Sau khi ra mắt, vụ kiện chống lại Temu có thể bị hủy bỏ bất cứ lúc nào nếu công ty đồng ý thực hiện hành động mạnh mẽ hơn đối với việc bán hàng hóa bất hợp pháp. Phía Temu không trả lời các câu hỏi về vấn đề này từ Thời báo Tài chính.

Một số quốc gia và khu vực đã tiến hành điều tra và thậm chí có những động thái cấm hoạt động đối với nền tảng thương mại này.

Đầu tháng 10, Indonesia đã trở thành quốc gia đầu tiên cấm sàn thương mại điện tử Temu hoạt động.

Tại Thái Lan, sự xuất hiện của Temu cũng đã gây không ít lo ngại về ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại đất nước này.

Đầu tháng 8/2024, Thủ tướng Thái Lan đã chỉ đạo Cục Thuế và Bộ Kinh tế và Xã hội Kỹ thuật số tăng cường các biện pháp giám sát, nhằm đảm bảo Temu tuân thủ luật pháp Thái Lan và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế khi hoạt động tại quốc gia này. Trước đó, Chính phủ Thái Lan đã quyết định tăng thuế VAT 7% đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1.500 baht (khoảng 1,1 triệu đồng), nhằm kiểm soát làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ, và tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp trong nước.

Tại Hàn Quốc, trong tháng 4 năm nay, Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc đã tiến hành điều tra về các hành động vi phạm quy định về thương mại điện tử, quảng cáo cũng như về các quy tắc bảo vệ người tiêu dùng của Temu. Cũng trong tháng 4, Temu đã bị Ủy ban Bảo vệ Thông tin Cá nhân Hàn Quốc điều tra do lo ngại về hoạt động thu thập và sử dụng dữ liệu người dùng của ứng dụng này.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm