Bộ GTVT cũng đề nghị cho phép áp dụng mức lãi suất mới này đối với các dự án đang giai đoạn thực hiện đầu tư có vướng mắc về lãi suất, chẳng hạn như dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bắc Giang - Lạng Sơn. Theo Bộ GTVT, đây là các dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực do đó cần linh hoạt về cơ chế để sớm đưa vào khai thác.
Bộ GTVT cho biết, theo quy định của Bộ Tài chính, mức lãi suất cho vay đối với các dự án này hiện ấn định trong khoảng 7,72%/năm. Trong khi đó mức lãi suất cho vay dài hạn tại các ngân hàng thương mại khoảng 10,83%/năm. Tức là chênh lệch hơn 3% so với lãi suất quy định đối với các dự án này. Đối với các dự án quy mô vốn sử dụng đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng này, chênh lệch lãi suất 3%/năm là cực lớn về giá trị.
Do chênh lệch rất lớn giữa lãi suất vay thực tế với lãi suất tính toán này, các dự án gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Điều này đã khiến các nhà đầu tư ngại tiếp cận các dự án hiện tại và cả các dự án sắp được phê duyệt.
Trong khi đó, thời gian khởi công, hoặc hoàn thành của các tuyến cao tốc quan trọng này đang tới gần. Cụ thể, tuyến cao tốc Bắc – Nam sẽ khởi công dự án đầu tiên vào năm 2019. Hiện tại phía Đông triển khai đầu tư dự án Trung Lương - Mỹ Thuận và đang lựa chọn nhà đầu tư đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Trong tổng số 727 km đầu tư trong giai đoạn 1 thì có 603 km được nghiên cứu triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 106.844 tỷ đồng, trong đó kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn tư nhân 69.672 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết, tiến độ triển khai báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án đang chậm hơn so với tiến độ dự kiến ban đầu khoảng 2-3 tháng. Do đó, nếu không gỡ được bất cập về lãi suất sẽ khiến các dự án có nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ.