Theo phản ánh của người tiêu dùng, ngày 18/9, tại phường Bồng Nhơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định phát hiện cửa hàng tạp hóa đang kinh doanh các sản phẩm bia có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu BIA SAIGON.
Tiếp đến, ngày 28/9 vừa qua, tại một cửa hàng tạp hóa trên đường Thủ Khoa Huân, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương người tiêu dùng cũng phát hiện cửa hàng này đang kinh doanh nhiều sản phẩm bia có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu BIA SAIGON.
Trước thực trạng này, đại diện SABECO kiến nghị, các cơ quan chức năng cần có các chế tài xử lý nghiêm minh các hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu của doanh nghiệp, nhất là những trường hợp cố tình giả mạo để tạo ra môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp phát triển sản xuất cũng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trước đó, tháng 6/2023, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tuyên phạt một doanh nghiệp vi phạm nhãn hiệu Bia Sài Gòn (SABECO) số tiền 3,7 tỷ đồng về hành vi sản xuất, kinh doanh các sản phẩm bia giả mạo các nhãn hiệu “BIA SAIGON” và “BIA SAIGON, hình con rồng” đang được bảo hộ và là nhãn hiệu nổi tiếng của Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (SABECO).
Đây là một trong nhiều vụ vi phạm đã được xử lý mà lực lượng Quản lý thị trường phối hợp kiểm tra, phát hiện về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo số liệu của Tổng Cục Quản lý thị trường, 6 tháng đầu năm 2023, liên quan đến hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 4.686 vụ, xử lý 4.489 vụ vi phạm, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 42,5 tỷ đồng.
Số liệu này cho thấy, mặc dù lực lực lượng đã nỗ lực trên mặt trận phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu, nhận được đánh giá tích cực từ các doanh nghiệp, các chủ thể quyền và người tiêu dùng, song các đối tượng vi phạm ngày càng liều lĩnh, thậm chí sẵn sàng “chịu xử phạt hành chính”. Vì vậy, nhiều đối tượng không từ thủ đoạn, “biến hóa” sản phẩm giả giống y như sản phẩm thật để đánh lừa người tiêu dùng.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, doanh nghiệp cần khẩn trương gửi thông tin cũng như hình ảnh liên quan đến vụ việc tới Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố hoặc gửi trực tiếp đến Tổng cục Quản lý thị trường để lực lượng vào cuộc.
Ông Trần Đức Tiến - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định cũng cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, Quản lý thị trường tỉnh sẽ kiểm tra, xác minh thông tin và tiến hành xử lý các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định, trong những tháng cuối năm 2023, để giữ ổn định thị trường, góp phần xây dựng, kiến tạo thị trường kinh doanh lành mạnh, Quản lý thị trường Bình Định sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó, chú trọng các địa bàn trọng tâm, các mặt hàng trọng điểm như: rượu bia, thuốc lá, thực phẩm, mỹ phẩm...
Xác định việc phòng ngừa, nâng cao nhận thức người tiêu dùng là một trong những giải pháp quan trọng trong “cuộc chiến” chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu, ngay từ tháng 11/2021, Tổng cục Quản lý thị trường đã mở cửa Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả thường xuyên và định kỳ, với các chủ đề đa dạng nhằm giúp người tiêu dùng, khách tham quan phân biệt được dấu hiệu nhận diện hàng thật, hàng giả, giảm rủi ro trong mua sắm.
Bên cạnh việc mở cửa Phòng Trưng bày, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền, từ cuối năm 2021, Tổng cục đã giao Tạp chí Quản lý thị trường xây dựng và phát triển nội dung trên các nền tảng mạng xã hội đang được quan tâm như Tiktok, Youtube, Facebook... để cập nhật thường xuyên và liên tục thông tin về các vụ kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước.