Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán BID) cho biết, lợi nhuận của riêng ngân hàng mẹ năm 2021 đạt 12.600 tỷ đồng, tăng hơn 51% so với năm trước. Trong đó, có 4 đơn vị mang về lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng - ngang ngửa với lợi nhuận của một số ngân hàng quy mô tầm trung, gồm chi nhánh Hà Nội, chi nhánh Hà Thành, chi nhánh Sở giao dịch 1, chi nhánh Thanh Xuân.
Bên cạnh đó, lợi nhuận trước thuế khối công ty con đạt 1.094 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2020. Cả năm, lợi nhuận hợp nhất của nhà băng này đạt 13.500 tỷ, tăng 50% so với năm trước. Trong đó, chênh lệch thu chi của BIDV như mọi năm dẫn đầu khối ngân hàng thương mại, đạt gần 41.760 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước.
Nhà băng này cũng cho biết đã trích lập trích đủ 100% dự phòng cho nợ cơ cấu vì Covid-19. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 235% - mức cao nhất trong lịch sử của nhà băng này. Tức mỗi đồng nợ xấu, BIDV đang trích dự phòng 2,35 đồng. Chất lượng tài sản của nhà băng này cũng được cải thiện khi tỷ lệ nợ xấu giảm xuống mức 0,81%.
Tính đến cuối 2021, tổng tài sản của BIDV tăng 16% so với cuối 2020, đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng - là nhà băng có quy mô lớn nhất hệ thống. Huy động vốn tổ chức tăng gần 17% so với năm 2020, chiếm hơn 11% thị phần tiền gửi toàn ngành.
Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,65 triệu tỷ đồng; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020 và chiếm hơn 13% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng.
Nguồn vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, trong đó, dư nợ bán lẻ tăng 25% so với năm 2020, dư nợ khối doanh nghiệp vừa và nhỏ và FD lần lượt tăng 15% và 21%.
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021 tại thời điểm 31/12/2021 ở mức 0,81%, giảm 0,73 điểm % so với năm 2020. Trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ 100% cho nợ cơ cấu theo các Thông tư 01, 03, 14. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 235%, mức cao nhất trong lịch sử.
Lợi nhuận trước thuế khối công ty con (Chứng khoán BSC, Bảo hiểm BIC, Công ty AMC,....) đạt 1.094 tỷ đồng, vượt 56% kế hoạch năm và tăng 47% so với năm 2020.
BIDV đã hoàn tất đợt lấy ý kiến cổ đông phát hành tối đa gần 1,037 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 và 2020. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2021 - 2022. Sau phát hành, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên hơn 50.585 tỷ đồng - dự kiến trở thành nhà băng có quy mô vốn điều lệ lớn nhất đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Chốt phiên giao dịch 25/1, giá cổ phiếu BID của nhà băng đang ở mức đỉnh lịch sử 49.000 đồng. Cổ phiếu nhà băng này diễn biến tích cực từ đầu năm 2022 với mức tăng 32% trong vòng chưa đến một tháng.