BIDV có thể bán vốn cho KEB Hana Bank trong tháng 10

Theo một chia sẻ mới đây của ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, dự kiến, ngân hàng sẽ hoàn thành tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho KEB Hana Bank trong tháng 10.
BIDV có thể bán vốn cho KEB Hana Bank trong tháng 10

Tiền bán cổ phần sẽ được chuyển về trong tháng tới. Tiến độ phụ thuộc vào tỷ giá và thu xếp vốn của đối tác. Trước đó, một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, BIDV dự kiến hoàn tất tăng vốn trong quý III và có thể đáp ứng được Basel II. Hiện, BIDV đã nộp hồ sơ Basel II, chờ xét duyệt.

Cuối tháng 7, Hội đồng Quản trị của BIDV đã thông qua chào bán riêng lẻ 603,3 triệu cổ phiếu, tương đương 15% vốn điều lệ cho đối tác KEB Hana Bank với giá 33.640 đồng/cp. Tổng giá trị giao dịch ước tính hơn 20.295 tỷ đồng. Nếu thực hiện thành công, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 34.187 tỷ đồng lên hơn 40.220 tỷ đồng. Nhà nước sẽ giảm sở hữu từ 95% còn 80,8% vốn.

Tính đến ngày 30/6/2019, nợ có khả năng mất vốn của BIDV tăng đột biến 3.360 tỷ đồng lên 10.492 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng nợ xấu của ngân hàng. Hiện, BIDV là ngân hàng có nợ xấu nội bảng cao nhất trong hệ thống với 21.121 tỷ đồng tính tới cuối tháng 6/2019, tăng 12,3 so với đầu năm.

Trong đó, nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh 46% lên 10.492 tỷ đồng; nợ nhóm 3 – nợ dưới chuẩn tăng 12% lên 6.105 tỷ. Riêng nợ nhóm 4 – nợ nghi ngờ giảm 27% xuống mức 4.524 tỷ đồng. Với việc nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh, nhóm nợ này tiếp tục có tỷ trọng lớn nhất (tới 50% trong tổng nợ xấu). Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay ở BIDV tăng từ 1,90% hồi đầu năm lên 1,98% vào cuối tháng 6.

Trong một báo cáo, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định việc xử lý nợ xấu và cải thiện rủi ro tín dụng của BIDV đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn. Tổng rủi ro tín dụng bao gồm nợ cần chú ý, nợ xấu và lượng nợ được xử lý cộng dồn chiếm 5% dư nợ 6 tháng, gần gấp đôi so với số liệu trung bình các ngân hàng khác.

Theo VCSC, mức so sánh này không bao gồm dư nợ trái phiếu VAMC của BIDV. Thậm chí, sau khi thanh toán toàn bộ số dư VAMC, CTCK cho rằng chi phí dự phòng của BIDV vẫn tiếp tục tăng để xử lý nợ xấu nội bảng. Đến cuối tháng 6/2019, ngân hàng đang trích lập dự phòng 15.348 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ bao nợ xấu hơn 75%.

Trong nửa đầu năm 2019, thu nhập lãi thuần của BIDV đạt 17.638 tỷ đồng, cao hơn 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,7% đạt hơn 1 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế giảm 5% ở mức 4.708 tỷ đồng. 

Báo cáo VCSC ghi nhận lợi suất cho vay của BIDV giảm 21% so với cùng kỳ và 9% so với quý trước với các khoản vay nhóm 1 do chi phí huy động tăng làm giảm khả năng cạnh tranh và sự thu hẹp cho vay bán lẻ và SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ). Dư nợ cho vay vào 2 lĩnh vực này chỉ tăng 5% thấp hơn mức tăng của tổng dư nợ.

Nguồn vốn hạn hẹp hiện tại của BIDV là nguyên nhân chính giới hạn tăng trưởng các khoản cho vay dài hạn tại ngân hàng. VCSC dự báo lợi suất cho vay sẽ cải thiện nhẹ từ năm 2020 với sự hỗ trợ tài chính và chiến lược từ KEB Hana.

 >> Tiền bán vốn từ BIDV có thể góp phần ổn định tỷ giá

Có thể bạn quan tâm

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...