Theo đó, Bình Định mời gọi nhà đầu tư xử lý khu lấn biển bỏ hoang nhằm trả lại độ cong tự nhiên cho bãi biển Quy Nhơn, phần đất còn lại để xây công viên, bến thuyền du lịch...
Trong số 12 ha lấn biển sẽ được nạo vét, xén bớt 40,5% diện tích nhằm trả lại dòng chảy tự nhiên, giảm thiểu thấp nhất lượng bùn khuyếch tán gây ô nhiễm cho bãi biển Quy Nhơn. Dự kiến khối lượng đất, đá được nạo vét tại Mũi Tấn sẽ dùng để san lấp mặt bằng một số công trình trên địa bàn Quy Nhơn.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Bình Định, cho hay UBND tỉnh đang mời gọi nhà đầu tư xây dựng một số dự án trên phần đất lấn biển bỏ hoang Mũi Tấn sau khi xử lý trả lại độ cong tự nhiên cho bãi biển Quy Nhơn.
Theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, tổng diện tích quy hoạch khu lấn biển này còn khoảng 6,8 ha, cơ cấu sử dụng đất được chia làm 2 khu chức năng chính.
Trong đó, phân khu 1 là khu công viên cây xanh vui chơi giải trí, bãi đậu xe… rộng hơn 4,2 ha. Phân khu 2 là khu dịch vụ du lịch, thương mại, khách sạn cao tầng có diện tích gần 2,6 ha.
Được biết, năm 2013, tỉnh Bình Định đồng ý cho một doanh nghiệp thực hiện việc san lấp lấn biển tại khu vực Mũi Tấn với diện tích hơn 12 ha để làm cáp treo phục vụ du lịch.
Tuy nhiên, sau khi san lấp xong, nhà đầu tư không tiếp tục thực hiện dự án cáp treo tại đây khiến khu đất này bị bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm… Xung quanh khu đất này bị rào chắn khiến người dân vô cùng bức xúc.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, cho biết khu lấn biển Mũi Tấn tồn tại nhiều năm do giữa lãnh đạo tỉnh và nhà đầu tư không thống nhất được quy hoạch và chưa tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Cụ thể, chủ đầu tư muốn xây dựng biệt thự tại khu lấn biển nhưng lãnh đạo tỉnh Bình Định kiên quyết không đồng ý và yêu cầu chủ đầu tư chỉ làm dịch vụ tại đây.
Hiện khu lấn biển Mũi Tấn này vẫn còn rào chắn nhưng bên trong đã được phát dọn sạch sẽ. Các cơ quan chức năng cũng đã cắm mốc khu vực cần nạo vét và dự kiến khối lượng đất, đá được nạo vét tại Mũi Tấn sẽ dùng để san lấp mặt bằng một số công trình trên địa bàn TP Quy Nhơn. Việc xây kè ven biển, nạo vét bớt một phần khối lượng đất, đá do nhà đầu tư bỏ tiền ra thực hiện, không dùng đến tiền ngân sách.