Cụ thể, chương trình bán hàng lưu động diễn ra tại 11 xã dân tộc thiểu số như: Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Điền, Phan Tiến (huyện Bắc Bình); xã Phan Dũng (huyện Tuy phong); Hàm Cần, Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam) và Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ, La Ngâu (huyện Hàm Thuận Bắc).
Theo Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh Bình Thuận, năm nay lượng hàng hóa được đưa về các địa phương phong phú và đa dạng hơn. Hầu hết hàng hóa trong chương trình bán lưu động đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chủ yếu là hàng Việt Nam, có thời hạn sử dụng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đồng thời, trong thời gian bán hàng, các mặt hàng dự trữ sẽ được bán ở mức giá bình ổn, nếu giá thị trường tăng thì các mặt hàng vẫn nằm ở mức giá đã cam kết. Khi giá thị trường xuống sẽ điều chỉnh giá xuống, đảm bảo giá bán các mặt hàng bình ổn bằng hoặc thấp hơn giá thị trường trên địa bàn cùng thời điểm.
Riêng các mặt hàng bình ổn như: Gạo, dầu ăn, đường… thì trung tâm sẽ đảm bảo đủ số lượng cung ứng theo nhu cầu thị trường, đảm bảo sẽ không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá trên vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh Bình Thuận còn có mạng lưới 11 cửa hàng và 3 đại lý cố định tại các xã đồng bào dân tộc thiểu số. Ngay từ đầu tháng 11/2019, trung tâm đã bắt đầu dự trữ các mặt hàng nhu yếu phẩm như: Gạo tẻ, gạo nếp, muối I ốt, bột giặt, mì tôm… để kịp thời cung ứng xuống các cửa hàng, đại lý.
Ngoài ra, trung tâm còn triển khai cho các cửa hàng, đại lý tạm ứng tiền mặt để các đại lý chủ động mua một số mặt hàng nhu yếu phẩm khác như: thịt, cá, bánh mứt, nước ngọt và một số mặt hàng theo nhu cầu tiêu dùng đặc thù của từng vùng đồng bào để phục vụ bà con trong dịp Tết Đầu lúa và Tết nguyên đán.
Được biết, tổng giá trị hàng phục vụ Tết vùng cao năm nay của tỉnh Bình Thuận là 2,2 tỷ đồng.