Theo đó, năm 2021, toàn tỉnh Bình Thuận có 10.500ha thanh long sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, trong khi đó, chỉ tiêu phấn đấu là 11.000 ha.
Do đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm thanh long Bình Thuận, bảo đảm an toàn thực phẩm, phục vụ cho yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện tái cấp chứng nhận và chứng nhận mới diện tích sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để triển khai kế hoạch, UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ngành, đoàn thể và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở triển khai tái cấp chứng nhận và chứng nhận mới diện tích sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 10.500ha trong năm 2021; đồng thời lưu ý xây dựng kế hoạch để thực hiện chỉ tiêu phấn đấu 11.000ha.
Bên cạnh đó, phải xác định chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP là nhiệm vụ chính trị quan trọng của chính quyền địa phương, cần kiên trì với quyết tâm cao để chỉ đạo thường xuyên nâng cao chất lượng tư vấn chứng nhận trong sản xuất để đạt được mục tiêu 10.500ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chỉ tiêu phấn đấu là 11.000ha, góp phần giúp người sản xuất VietGAP một cách thực chất và giữ vững thương hiệu thanh long Bình Thuận.
Ngoài ra, cần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với diện tích trồng thanh long, tuyên truyền cho người dân trồng thanh long theo quy hoạch và hướng dẫn của các cơ quan chức năng địa phương, không được trồng ngoài quy hoạch.
“UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo UBND xã, thị trấn tiến hành rà soát, củng cố lại ban điều hành các tổ/nhóm; kiểm tra, rà soát lại số lượng thành viên trong tổ, điều chỉnh lại quy trình sản xuất cho phù hợp với thực tế và hoàn thành hồ sơ đăng ký chứng nhận đúng quy định, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tỉnh giao (kể cả cấp mới và tái cấp)”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong chỉ đạo.