Bitexco khẳng định 15.700 tỷ đồng nhận từ bà Trương Mỹ Lan không liên quan SCB, đề nghị tòa không thu hồi.

Bitexco cho biết 15.700 tỷ đồng nhận từ bà Trương Mỹ Lan không liên quan đến SCB hay phát hành trái phiếu. Việc bà Lan bị bắt khiến công ty chịu thiệt hại hơn 12.000 tỷ đồng. Bitexco yêu cầu tòa án giải tỏa các lệnh phong tỏa và ngăn chặn tài khoản để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động và phát triển...

anh-chup-man-hinh-2024-10-10-luc-175930-4867.png
Bà Trương Mỹ Lan tại tòa

Ngày 10/10, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vạn Thịnh Phát và 33 bị cáo tiếp tục với phần tranh luận của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và bị hại.

BITEXCO ĐỀ NGHỊ KHÔNG THU HỒI 15.700 TỶ ĐỒNG NHẬN TỪ BÀ TRƯƠNG MỸ LAN

Luật sư đại diện cho Công ty Bitexco đã đề nghị Hội đồng xét xử không thu hồi số tiền hơn 15.712 tỷ đồng mà tập đoàn đã nhận từ bà Lan. Theo kết quả điều tra, vào năm 2018, bà Lan và Bitexco đã thỏa thuận chuyển nhượng Dự án khu Tứ giác Bến Thành (The Spirit of Sài Gòn) cho Vạn Thịnh Phát với giá 22.000 tỷ đồng. Đến nay, bà Lan đã chuyển cho Bitexco 15.712 tỷ đồng, tuy nhiên, các thủ tục chuyển giao công ty vẫn chưa được thực hiện. Vì vậy, cơ quan điều tra đề nghị tòa xem xét thu hồi số tiền này.

Trong quá trình điều tra, Bộ Công an đã phong tỏa nhiều tài khoản của Bitexco và các công ty thuộc hệ sinh thái của tập đoàn này. Dự án khu Tứ giác Bến Thành có diện tích 8.600 m2, nằm tại vị trí đắc địa ở quận 1, TP.HCM, với 4 mặt tiền giáp các đường Phạm Ngũ Lão, Calmette, Lê Thị Hồng Gấm và Phó Đức Chính, đối diện chợ Bến Thành.

du-an-ben-thanh-8791.jpg
Dự án khu Tứ giác Bến Thành (The Spirit of Sài Gòn)

Trong các phiên tòa trước đó, đại diện Bitexco đã thừa nhận việc nhận 15.712 tỷ đồng từ bà Lan nhằm triển khai dự án khu Tứ giác Bến Thành. Số tiền này đã được sử dụng để thanh toán hoặc chuyển cho các công ty con của Bitexco nhằm hoàn trả các chi phí phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng dự án cũng như các dự án khác của tập đoàn.

Bà Lan khai rằng bà đã có "thỏa thuận miệng" với Chủ tịch Bitexco về việc chuyển nhượng dự án với giá 22.000 tỷ đồng và đã chuyển cho Bitexco tổng cộng 7.000 tỷ đồng. Bà cũng đã thông báo với Chủ tịch Bitexco rằng, nếu dự án được bán cho bên khác, Bitexco sẽ phải hoàn trả số tiền này cộng thêm 30% giá trị của 7.000 tỷ đồng. Bà cho biết sau đó đã tìm được đối tác Singapore để tham gia thực hiện dự án, nhưng quá trình này bị gián đoạn khi bà bị bắt.

Tại phiên tòa ngày hôm nay, luật sư của Bitexco tiếp tục khẳng định rằng thỏa thuận giữa hai bên là giao dịch dân sự hợp pháp. Bitexco nhận tiền hợp pháp và không có thông tin gì về việc số tiền này có liên quan đến vụ án. Hiện số tiền 15.712 tỷ đồng đã hòa chung vào dòng tiền của tập đoàn và không thể tách rời, đồng thời Bitexco đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.

Bitexco cũng cho biết đã kiểm tra và xác định rằng số tiền này không liên quan đến SCB hay phát hành trái phiếu. Việc bà Lan bị bắt giữa chừng đã khiến công ty chịu thiệt hại hơn 12.000 tỷ đồng. Vì vậy, Bitexco yêu cầu tòa án giải tỏa các lệnh phong tỏa và ngăn chặn tài khoản để doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động và phát triển.

BÀ TRƯƠNG MỸ LAN ĐÒI NOVALAND TRẢ 2.5000 TỶ ĐỒNG BẰNG TIỀN MẶT

Trong buổi làm việc sáng nay, đại diện bảo vệ quyền lợi cho Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An đã đề nghị tòa án hủy bỏ các lệnh kê biên, phong tỏa để công ty có thể tiếp tục triển khai dự án Khu Công nghiệp và Khu dân cư Tân Thành Long An. Về việc bà Trương Mỹ Lan yêu cầu trả 2.500 tỷ đồng còn thiếu khi chuyển nhượng dự án này, công ty mong muốn tòa án cho thêm thời gian để trao đổi lại với bà Lan.

Tuy nhiên, bà Lan tỏ ra rất bức xúc và lớn tiếng khẳng định dự án này đã được bán cho Novaland. Bà cho biết, trong suốt quá trình phiên tòa diễn ra, mặc dù Hội đồng xét xử đã triệu tập đại diện của Novaland để nêu rõ quan điểm về việc trả khoản tiền 2.500 tỷ đồng cho bà, nhưng họ vẫn không đưa ra câu trả lời.

Bà Lan cho rằng việc chuyển nhượng dự án này cho Novaland đã diễn ra với mức giá quá thấp. Bà đề nghị nếu Novaland không đồng ý trả khoản tiền này, Hội đồng xét xử cần áp dụng biện pháp truy thu theo quy định. "Giờ tôi không còn đại diện nào để đàm phán nữa," bà Lan nói tại tòa.

Dự án Khu Công nghiệp và Khu dân cư tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An do Công ty Tân Thành Long An làm chủ đầu tư, với diện tích 1.800 ha. Theo lời bà Lan, dự án này trước đây được đánh giá rất cao, với tổng giá trị 45.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do Novaland tha thiết đề nghị mua với mức giá giảm, bà đã đồng ý chuyển nhượng theo hiện trạng với giá 30.000 tỷ đồng. Bà cho biết, Novaland đã nhờ bà Võ Thị Kim Khoa làm đại diện thực hiện giao dịch. Sau khi một phần dự án bị thu hồi, hai bên thỏa thuận lại giá xuống còn 20.000 tỷ đồng, mặc dù bà Lan cho rằng lỗi thuộc về Novaland vì không triển khai dự án như cam kết.

Theo cơ quan điều tra, bà Võ Thị Kim Khoa đã đặt cọc 1.750 tỷ đồng cho việc chuyển nhượng dự án và hiện là chủ sở hữu Công ty Tân Thành Long An. Trong quá trình điều tra, công ty này đã đề xuất được tiếp tục thực hiện dự án và cam kết chi trả 15.000 tỷ đồng trái phiếu cho các công ty của bà Lan, không liên quan đến vụ án đang xét xử. Đối với phần giá trị dư thừa theo hợp đồng chuyển nhượng, công ty của bà Khoa hứa sẽ nộp để khắc phục hậu quả vụ án trong giai đoạn 2.

Trước đề nghị của Công ty Tân Thành Long An về việc trả 2.500 tỷ đồng bằng tài sản hiện vật, bà Lan thẳng thừng từ chối và khẳng định: "Tôi chỉ biết đã chuyển nhượng dự án cho Novaland, không liên quan đến bà Khoa. Tôi cần Novaland trả ngay 2.500 tỷ đồng bằng tiền mặt để khắc phục hậu quả cho người mua trái phiếu, không muốn nhận tài sản."

Phiên tòa sẽ tiếp tục trong buổi chiều với phần tranh luận của các bên liên quan khác. Trong vụ án này, bà Lan cùng đồng phạm bị cáo buộc chiếm đoạt 30.000 tỷ đồng từ 35.824 trái chủ thông qua việc phát hành trái phiếu; rửa tiền 445.768 tỷ đồng và vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới. Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án chung thân cho cả ba tội danh đối với bà Lan, yêu cầu bồi thường toàn bộ thiệt hại và tiếp tục kê biên tài sản để khắc phục hậu quả.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh sự kiện Gala Doanh nhân Thăng Long 2024

Toàn cảnh sự kiện Gala Doanh nhân Thăng Long 2024

Chương trình “Gala Doanh nhân Thăng Long 2024” là dịp mọi người ngồi lại để cùng nhau chia sẻ, nhìn lại những chặng đường đã qua và tiếp tục định hướng phát triển cho giai đoạn tiếp theo của đội ngũ doanh nhân Thủ đô trong thời kỳ mới...

Gặp gỡ doanh nghiệp Việt – Nga: Tìm kiếm cơ hội hợp tác

Gặp gỡ doanh nghiệp Việt – Nga: Tìm kiếm cơ hội hợp tác

Trong hai ngày 2 - 3/10, Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga đã phối hợp với Công ty CP Sản xuất và Thương mại Altai Sibiri tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp đến từ vùng Amur (Liên bang Nga) và các doanh nghiệp Việt Nam...

Doanh nghiệp đồng hành cùng Gala Doanh nhân Thăng Long 2024

VNPTEVNHanelDaewooDu lịch Hà NộiEurowindowGeleximcoHandicoHà Nội groupHaproMay 10May Hồ GươmQuân Đức Thảo dượcROXSâm Ngọc LinhThi SơnThuỷ TạUDICViệt Mỹ