Sau khi kết thúc 2 năm thí điểm ứng dụng xe hợp đồng điện tử (nhiều người gọi tắt là thí điểm Uber, Grab), Bộ Công an vừa có văn bản tham gia ý kiến với Văn phòng Chính phủ về đề án này. Bộ này cho biết cơ bản nhất trí với báo cáo tổng kết của Bộ Giao thông Vận tải, nhưng đề nghị bổ sung, làm rõ một số nội dung.
Vấn đề Bộ Công an quan tâm đầu tiên là cần kiểm soát số lượng, chất lượng xe và lái xe tham gia thí điểm. Bởi theo đề án, các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng còn đơn giản, chưa đầy đủ, dẫn đến tình trạng khó kiểm soát được số lượng, chất lượng xe và lái xe. Đây là nguyên nhân chính gây ra một số vụ việc phức tạp về trật tự xã hội, liên quan đến lái xe của các doanh nghiệp vận tải tham gia thí điểm.
Thứ hai, Bộ Công an cho rằng các phương tiện tham gia thí điểm tuy đã được lắp thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định, nhưng dữ liệu thu được mới chỉ được sử dụng trong quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải. Việc cung cấp dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát hành trình cho cơ quan chức năng phục vụ công tác quản lý, xử lý vi phạm còn hạn chế.
Bộ Công an cũng cho biết lực lượng này khó nhận biết, xử phạt các xe tham gia thí điểm trên đường, nhất là vi phạm về vận tải đường bộ. Nguyên nhân, do ngành Giao thông Vận tải chưa chủ động trong trao đổi thông tin, dữ liệu liên quan đến số lượng đơn vị vận tải tham gia thí điểm, mẫu phù hiệu và số xe tham gia của từng đơn vị được cấp.
Về việc quản lý phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng, Bộ Công an nhấn mạnh hiện chưa có biện pháp để cơ quan chức năng quản lý được toàn bộ phần mềm mà các đơn vị đang quản lý, sử dụng trong hoạt động thí điểm.
Trong khi đó, hợp đồng vận tải, hành trình chạy xe, địa điểm đón trả khách đều được thực hiện và giám sát thông qua phần mềm ứng dụng mà không được kết nối với thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện tham gia thí điểm. Điều này khiến việc kiểm soát của cơ quan chức năng gặp khó khăn.
Về lộ trình thực hiện, các đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an cho rằng cần ấn định thời gian cụ thể đối với từng đề nghị, không để kéo dài thời gian thí điểm với những bất cập chưa được giải quyết.
Cùng với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ cũng lấy ý kiến của các Bộ Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông và UBND TP. Hà Nội về đề án.
Trong khi đó, ngày 23/2,Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, về việc thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng.
Phó thủ tướng đồng ý kéo dài thời gian thí điểm cho đến khi có Nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP, quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô được ban hành và có hiệu lực.
Theo Zing