Bộ Công Thương cam kết đủ xăng dầu đến hết tháng 3

Với lượng xăng dầu nhập khẩu và dự trữ hiện tại, Bộ Công Thương "cam kết cơ bản đáp ứng đủ nguồn cung xăng dầu trong tháng 3".

Liên quan đến nguồn cung, ông Hải cho hay, hiện nay, nguồn cung sản xuất trong nước đáp ứng được từ 70% đến 75%, thậm chí có thời gian lên tới 80%. Chủ yếu nguồn cung từ hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (chiếm 35% đến 40%) Bình Sơn (khoảng 35%).

Trong thời gian vừa qua, theo báo cáo, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp khó khăn về tài chính và một số khó khăn nội tại. Vì vậy, ngay từ đầu tháng 1/2022, nhà máy Nghi Sơn đã phải giảm công suất. Đầu tiên là 90%, sau đó xuống còn 80 %, hiện nay chỉ còn 55% đến 60%  công suất thực hiện.

Do đó, việc giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (các hợp đồng đã được ký kết) giảm so với thỏa thuận giữa 2 bên. Đặc biệt, tháng 2/2022, nguồn cung từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm 43%, theo kế hoạch giao 680.000 m3, nhưng thực tế chỉ giao được 390.000m3. Tương tự như vậy, tháng 3/2022, theo kế hoạch giao 680.000m3 nhưng thực tế giao hàng chỉ có 540.000 m3 (giao được 80%, giảm 20%).

Trong khi đó, nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dù có chỉ đạo tăng công suất (ở mức cho phép) để bù vào sự thiếu hụt của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn: Từ 100% lên 103%, từ ngày 7/2 lên tới 105%. Tuy nhiên, mức tăng của nhà máy Bình Sơn là khoảng 5% tương đương 28.000 m3, chưa đủ bù lượng thiếu hụt do nhà máy Nghi Sơn giảm công suất.

"Vì vậy, nguồn cung xăng dầu ở một số nơi cục bộ có khan hiếm chứ chưa nói là thiếu. Vì hệ thống xăng dầu của chúng ta có nhiều doanh nghiệp đầu mối, đảm bảo đủ, bất cứ một doanh nghiệp, một người dân đến đều mua được xăng dầu", ông Hải nói.

Mặt khác, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng nhấn mạnh, ở toàn miền Bắc, miền Trung là không thiếu, và chỉ có vài tỉnh phía Nam gần biên giới, cá biệt ở TP.HCM thiếu hụt cục bộ.

Tuy nhiên, ngay từ đầu tháng 1/2022, Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính chỉ đạo cho doanh nghiệp đầu mối tăng cường nhập khẩu để bù đắp vào lượng thiếu hụt, cộng với lượng dự trữ thì trong tháng 3/2022 cơ bản đáp ứng được.

Hiện, Bộ Công Thương đã giao 10 doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn nhập khẩu thêm 2,4 triệu m3, tấn xăng dầu trong quý II. Việc này nhằm đảm bảo kể cả khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không đáp ứng được sản lượng xăng dầu cho thị trường sau tháng 5 thì vẫn có đủ xăng dầu cung ứng cho sản xuất, kinh doanh và nhu cầu người dân.

Về thông tin rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu, ông Hải chia sẻ, theo Nghị định 95/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 2/1/2022 thì Liên Bộ Công Thương - Tài Chính sẽ điều hành giá xăng dầu 10 ngày/ lần vào các ngày 1, 11, 21 hàng tháng.

Tuy nhiên, trong trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có sự biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương sẽ họp và báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định thời gian điều chỉnh giá xăng dầu cho phù hợp.

"Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng đã thống nhất 2 ngày/lần, tổ công tác điều hành giá sẽ ngồi bàn họp với nhau trao đổi về việc có cần thiết phải báo cáo Chính phủ xem xét quyết định thay đổi giá sớm hơn so với quy định hay không", ông nói và khẳng định theo đúng quy định liên Bộ sẽ điều hành 10 ngày/lần.

Xem thêm

Siết chặt quản lý giá xăng dầu, thiết bị y tế

Siết chặt quản lý giá xăng dầu, thiết bị y tế

Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Có thể bạn quan tâm