Giá xăng dầu được điều chỉnh 3 lần/tháng từ đầu năm 2022

Từ ngày 2/1/2022, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu sẽ rút ngắn từ 15 ngày xuống còn 10 ngày và thay đổi công thức tính theo quy định mới ban hành.
Giá xăng dầu được điều chỉnh 3 lần/tháng từ đầu năm 2022

Chính phủ vừa ban hành nghị định số 95 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu với nhiều nội dung thay đổi về cơ chế điều hành xăng dầu và công thức tính giá.

Cụ thể, giá cơ sở xăng dầu không chỉ được xác định từ nguồn nhập khẩu mà sẽ tính thêm từ nguồn xăng dầu sản xuất trong nước. Bên cạnh đó là các khoản chi phí vận chuyển, thuế nhập khẩu, chi phí kinh doanh định mức, mức trích lập Quỹ bình ổn giá, lợi nhuận định mức, các khoản thuế phí và trích nộp khác theo quy định. Đáng chú ý, công thức tính có bổ sung quy định về cách tính thuế thu nhập theo bình quân gia quyền…

Kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ được giảm xuống từ 15 ngày còn 10 ngày, tức là mỗi tháng điều chỉnh ba lần. Thời gian điều hành sẽ áp dụng vào ngày 1, ngày 11 và 21 hàng tháng, trường hợp kỳ điều hành trùng ngày nghỉ, lễ, thì thời gian điều chỉnh giá lùi sang ngày làm việc tiếp theo. Nếu kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, sẽ lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.

Nghị định cũng cho phép trong trường hợp giá xăng dầu biến động bất thường, ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế xã hội, Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định thời gian điều chỉnh.

Trong trường hợp giá cơ sở tăng trên 10%, mức giá biến động lớn làm ảnh hưởng tới kinh tế xã hội, Thủ tướng sẽ quyết định biện pháp điều hành dựa trên báo cáo của Bộ Công thương.

Nghị định cũng sửa đổi điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu như phải có hệ thống phân phối xăng dầu, đơn cử như tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 5 cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp; tối thiểu 40 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân.

Đối với thương nhân đầu mối kinh doanh nhiên liệu hàng không, nghị định quy định không bắt buộc phải có hệ thống phân phối quy định trên nhưng phải đáp ứng thêm một số yêu cầu như phải có phương tiện vận tải, xe tra nạp nhiên liệu, kho tiếp nhận tại sân bay... thuộc sở hữu hoặc thuê từ 5 năm trở lên.

Đối với đại lý bán lẻ xăng dầu, nghị định sửa điều kiện về cửa hàng bán lẻ như có cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên được cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo quy định.

Đáng chú ý, nghị định mới quy định về chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, theo đó thương nhân có hoạt động sản xuất xăng dầu nếu có nhu cầu chuyển nhượng thì phải được Thủ tướng cho phép. Quy định này được xem là "chặt" hơn so với dự thảo trước đây khi cho phép mở "room" cho nhà đầu tư ngoại lên tới 35%.

Xem thêm

Giám sát chặt thị trường xăng dầu những tháng cuối năm

Giám sát chặt thị trường xăng dầu những tháng cuối năm

Vụ Thị trường trong nước vừa có công văn gửi đến Tổng cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp, đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm giám sát chặt chẽ, bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng.

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...