Bộ Công Thương đề nghị rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện xuống 3 tháng/lần

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến, trình Chính phủ việc sửa cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân (Quyết định 24/2017)…

Bộ Công Thương đề nghị rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện
Bộ Công Thương đề nghị rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện

Trong lần sửa này, Bộ Công Thương đề nghị rút ngắn thời gian điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần, tức mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá. Giá được cập nhật hằng quý theo chi phí phát điện, các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện.

Công thức tính giá sẽ gồm giá phát điện, truyền tải, phân phối, dịch vụ phụ trợ và các yếu tố gắn với giá thành sản xuất như chênh lệch tỉ giá, lỗ từ sản xuất kinh doanh và các chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ, xác định căn cứ báo cáo tài chính được kiểm toán.

Trong thời gian qua, quá trình thực thi quyết định 24/2017 đã không diễn ra theo định kỳ. Cụ thể, sau 4 năm kìm giữ, giá điện được tăng hai lần trong năm nay vào tháng 5 và tháng 11 với mức tương ứng là 3% và 4,5%.

Theo Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thẩm quyền tăng giá 3% đến dưới 5% khi các thông số đầu vào (phát điện, truyền tải, phân phối...) biến động. EVN giảm giá tương ứng nếu giá điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với hiện hành.

Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh trong trường hợp giá tăng từ 5 đến dưới 10%. Với mức tăng giá bán lẻ bình quân trên 10% so với giá hiện hành và trong khung giá, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.

Trong thông báo kết luận mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Công Thương rà soát kỹ, đánh giá đầy đủ các quy định tại quyết định 24/2017. Trong đó xác định rõ vướng mắc, khó khăn và hạn chế phát sinh trong thực tế. Việc này nhằm đưa ra đề xuất sửa quy định khả thi, chặt chẽ trong thực hiện.

Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung, số liệu báo cáo và đề xuất chính sách.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu công thức tính giá điện phải đảm bảo nguyên tắc thị trường, đúng pháp luật và tính toán tác động tới ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, đời sống người dân.

Đồng thời, Bộ Công Thương được giao rà soát chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của các bộ, cơ quan để hoàn thiện, quy định rõ tại dự thảo quyết định.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng lưu ý tăng phân cấp, phân quyền với thẩm quyền điều chỉnh giá điện khi ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô. Theo đó, Bộ Công Thương cần nghiên cứu, cân nhắc phân cấp theo hướng phải báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi Bộ Công Thương, EVN định điều chỉnh giá.

Xem thêm

EVN quyết định tăng giá điện, cổ phiếu ngành điện chịu “tác động kép” như thế nào?

EVN quyết định tăng giá điện, cổ phiếu ngành điện chịu “tác động kép” như thế nào?

Theo các chuyên gia nhận định, việc điều chỉnh tăng giá điện của EVN được cho là không mang lại lợi nhuận cao hơn cho các nhà máy điện nhưng sẽ tác động tích cực tới các cổ phiếu ngành điện. Ngược lại, giá vốn bán hàng tại một số doanh nghiệp như thép, hóa chất, giấy sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực...

Có thể bạn quan tâm