Bộ Công Thương nêu 7 nhiệm vụ phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo

Tại Diễn đàn kinh tế Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo năm 2022, được tổ chức ngày 5/10/2022, Bộ Công Thương đã nêu 7 nhiệm vụ phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025.

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu đều có nhận xét những năm gần đây khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo từng bước thay đổi, nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội đã được đầu tư đáng kể. Sản xuất một số vùng đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.

Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên từng bước, tỷ lệ hộ nghèo các vùng khó khăn đã giảm, giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội đều có chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, không chỉ phát triển thương mại, Bộ Công Thương còn thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử,… tại khu vực này.

Xoài Sơn La đã hiện diện ở hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và được xuất khẩu ra nước ngoài
Xoài Sơn La đã hiện diện ở hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và được xuất khẩu ra nước ngoài

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đồng tình với những đánh giá trên. Ông nói: qua 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 964/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020, đã đem lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn.

“Không chỉ kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản của khu vực miền núi, hải đảo, mà thông qua tổ chức các Hội nghị, hội thảo còn hình thành được những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững. Nhiều đặc sản vùng, miền như xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sapa, rượu sim Phú Quốc, … đã mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.

Tuy nhiên, những thách thức từ xung đột địa chính trị, từ dịch bệnh, biến đổi khí hậu ở cấp độ toàn cầu, đã tác động đáng kể đến các chuỗi cung ứng, đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ hơn. Tháng 7/2021, Thủ tướng đã ký ban hành Quyết định 1162/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, với những yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, ứng dụng thương mại điện tử, khuyến khích tham gia vững chắc vào tiến trình hội nhập đối với khu vực miền núi, hải đảo; tạo ra động lực mạnh mẽ phát triển hàng hóa có thương hiệu của khu vực này vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

Sản phẩm sâm Ngọc Linh đã được xuất khẩu ra nước ngoài
Sản phẩm sâm Ngọc Linh đã được xuất khẩu ra nước ngoài

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã ban hành chương trình hành động. Trong đó, lên kế hoạch triển khai nhiều chương trình, đề án, gồm: Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021 - 2025; Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025.

Ngày 16/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới.

Trong đó có giao Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp khơi thông, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước; phát triển hệ thống phân phối bán lẻ; thúc đẩy thương mại điện tử; đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu…

“Trong bối cảnh đó, việc kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo sẽ góp phần vào việc tăng cường kết nối cung cầu, bảo đảm nguồn lực duy trì chuỗi cung ứng liên tục, đa dạng ở thị trường trong và ngoài nước, nâng cao khả năng thích ứng, sức chống chịu trong một thế giới đầy biến động”, Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.

Và để thực hiện được mục tiêu trên, Thứ trưởng Hải đã nêu 7 nhiệm vụ. Thứ nhất, giao cho các đơn vị tham mưu thuộc Bộ Công Thương rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện khung pháp lý nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa có thế mạnh của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Thứ hai, nghiên cứu phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng đối với hàng hóa được sản xuất khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Thứ ba, tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực và kết nối thị trường cho thương nhân tham gia xuất khẩu hàng hóa của khu vực qua biên giới.

Thứ tư, phối hợp với các địa phương và hệ thống phân phối để tổ chức các hoạt động phân phối hàng hóa phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; kết nối đưa hàng hóa là lợi thế khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo với các kênh phân phối trên thị trường cả nước.

Thứ năm, đề nghị Chính phủ quan tâm, bố trí nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các chợ truyền thống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đặc biệt ở những vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Thứ sáu, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng và hải đảo, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại tại khu vực này.

Và cuối cùng, đề nghị các địa phương hàng năm cần bố trí một phần kinh phí nhất định từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình.

Theo thông tin chúng tôi nắm được, hiện xoài Sơn La được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Canada và Australia theo đường chính ngạch. Để được các thị trường trên chấp nhận là nhờ những chương trình xúc tiến thương mại và đặc biệt là chất lượng xoài luôn đảm bảo. Việc được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài là tin vui cho chính quyền và nhân dân địa phương trong việc tìm đầu ra cho nông sản địa phương.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm