Bộ Công Thương trình Chính phủ 2 chính sách mua bán điện trực tiếp

Bộ Công Thương đã chính thức trình Chính phủ dự thảo nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp được chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp...

Bộ Công Thương vừa có tờ trình Chính phủ về dự thảo nghị định cơ chế DPPA (Ảnh minh họa)
Bộ Công Thương vừa có tờ trình Chính phủ về dự thảo nghị định cơ chế DPPA (Ảnh minh họa)

Mới đây, Bộ Công Thương đã có tờ trình số 3526 /TTr-BCT về việc xây dựng nghị định của Chính phủ quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA).

Theo đó, việc xây dựng và ban hành nghị định giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý để bảo đảm đồng thời nhiều mục tiêu gồm đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng sử dụng điện, góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường, hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam, nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.

Đồng thời, việc xây dựng nghị định cũng phù hợp với chủ trương, chính sách của Việt Nam về khuyến khích thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt là các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, tuân thủ quy định Luật Điện lực và các văn bản chỉ đạo có liên quan.

Dự thảo nghị định đã được gửi lấy ý kiến nhiều lần, hoàn thiện và gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Hiện, dự thảo được Bộ Công Thương chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ.

Dự thảo nghị định gồm 5 chương, 30 điều và 5 phụ lục. Trong đó, chương I quy định chung, chương II là mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng, chương III là mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, chương IV là trình tự thực hiện và chế độ báo cáo, điều khoản thi hành tại chương V.

Đi kèm nghị định là 5 phụ lục gồm các nội dung liên quan đến hợp đồng mua bán điện trên thị trường điện giao ngay, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng mua bán điện giữa khách hàng sử dụng điện lớn hoặc đơn vị bán lẻ điện tại khu công nghiệp được ủy quyền và Tổng Công ty Điện lực, chi phí thanh toán bù trừ chênh lệch tháng M, mẫu báo cáo cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Nghị định quy định về cơ chế DPPA có 2 chính sách gồm mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng và qua lưới điện quốc gia.

Đối với mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, khách hàng sử dụng điện lớn là tổ chức, cá nhân mua điện để sử dụng không bán lại cho tổ chức, cá nhân khác, theo quy định của Bộ Công Thương phù hợp với từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện hoặc có sản lượng tại thời điểm nộp hồ sơ tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Cụ thể, khách hàng sử dụng điện lớn đang sử dụng điện phải có sản lượng tiêu thụ bình quân từ 500.000 kWh/tháng trở lên (tính trung bình 12 tháng gần nhất). Khách hàng sử dụng điện lớn mới hoặc có thời gian sử dụng điện dưới 12 tháng sẽ tính theo sản lượng đăng ký từ 500.000 kWh/tháng trở lên.

Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (không giới hạn công suất) và khách hàng sử dụng điện lớn (thực hiện quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 Luật Điện lực) được phép đàm phán, thỏa thuận và ký kết hợp đồng mua bán điện trực tiếp tuân thủ quy định pháp luật. Giá điện sẽ được thỏa thuận giữa đơn vị phát điện và khách hàng.

Đối với mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, đối tượng mua bán gồm đơn vị phát điện năng lượng tái tạo từ gió hoặc mặt trời với công suất từ 10 MW trở lên đấu nối vào hệ thống điện quốc gia trực tiếp tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh, khách hàng sử dụng điện lớn phục vụ mục đích sản xuất mua điện từ Tổng công ty Điện lực hoặc đơn vị bán lẻ điện không phải Tổng công ty Điện lực đấu nối cấp điện áp từ 22 kV trở lên, đơn vị bán lẻ điện tại khu công nghiệp được khách hàng sử dụng điện lớn phục vụ mục đích sản xuất ủy quyền mua điện từ Tổng công ty Điện lực.

Về giá điện, khách hàng có trách nhiệm thanh toán theo giá thị trường điện giao ngay kèm các loại giá dịch vụ (giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) và các chi phí thanh toán khác.

Theo điều 11 của dự thảo nghị định, giá thị trường điện giao ngay là giá thị trường điện toàn phần được hình thành theo từng chu kỳ giao dịch của thị trường điện giao ngay và được xác định bằng tổng của giá điện năng thị trường và giá công suất thị trường. Trong đó, giá điện năng thị trường và giá công suất thị trường được xác định theo quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công Thương ban hành.

Xem thêm

Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp: Doanh nghiệp mong ngóng, Chính phủ thúc giục hoàn thiện hồ sơ

Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp: Doanh nghiệp mong ngóng, Chính phủ thúc giục hoàn thiện hồ sơ

Theo các tổ chức và doanh nghiệp, nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp được ban hành sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Do vậy, cần nhanh chóng ban hành để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị đầu tư...

Có thể bạn quan tâm