Đề xuất mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo (DPPA)

Bộ Công Thương vừa có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc nghiên cứu xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA)…

Đề xuất mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo (DPPA)

Được biết mục tiêu của cơ chế DPPA bao gồm: Đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng; Góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường; Là bước chuẩn bị cần thiết để chuyển sang vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam.

Trong quá trình xây dựng cơ chế DPPA, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tư vấn quốc tế triển khai nghiên cứu các mô hình cơ chế DPPA trên thế giới (bao gồm cả mô hình DPPA vật lý và DPPA tài chính, cân nhắc các tiêu chí đảm bảo tính khả thi vận hành hệ thống điện và phù hợp với thiết kế của thị trường điện tại Việt Nam.

Trong đó, đối với trường hợp đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo mua bán điện trực tiếp với khách hàng lớn qua đường dây riêng, các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam đã được điều chỉnh đầy đủ tại các văn bản quy phạm pháp luật để các đơn vị triển khai.

Đối với trường hợp đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo mua bán điện trực tiếp với khách hàng lớn thông qua lưới điện quốc gia, Bộ Công Thương cho biết, để triển khai được mô hình này cần phải hiệu chỉnh, ban hành bổ sung các quy định pháp lý hướng dẫn về: tính toán giá phân phối điện; tính toán giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường lực; tính toán giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và các chi phí thanh toán khác; các hợp đồng mua bán điện mẫu (giữa đơn vị phát điện và khách hàng lớn, giữa đơn vị phát điện với EVN/A0).

Về cơ chế DPPA trong trường hợp thực hiện mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo ban hành văn bản hướng dẫn triển khai cơ chế theo quy định của pháp luật hiện hành. Để đảm bảo cơ sở pháp lý, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định ban hành cơ chế DPPA theo hình thức Nghị định của Chính phủ.

Về trường hợp mua bán điện thông qua đường dây tư nhân kết nối trực tiếp, việc thực hiện đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai, vì vậy, Bộ Công Thương sẽ hướng dẫn các đơn vị theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

Dự kiến, Quy định về cơ chế DPPA áp dụng đối với các đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện gió hoặc mặt trời đấu nối vào hệ thống điện quốc gia và có công suất đặt từ 10 MW trở lên (để đáp ứng các yêu cầu tham gia thị trường điện và tuân thủ theo quy định vận hành hệ thống điện phân phối), trừ trường hợp việc mua bán điện thông qua đường dây kết nối trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng, không bán điện lên hệ thống điện quốc gia.

Khách hàng lớn tham gia cơ chế DPPA là các tổ chức, cá nhân đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp từ 22 kV trở lên, trừ trường hợp việc mua bán điện thông qua đường dây kết nối trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng, không bán điện lên hệ thống điện quốc gia.

Một đối tượng áp dụng khác của Quy định về cơ chế DPPA là các đơn vị điện lực bao gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Đơn vị điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện; Đơn vị bán lẻ điện.

Ngoài ra, Quy định về cơ chế DPPA dự kiến bao gồm một số nội dung khác như: Phạm vi điều chỉnh; Việc mua bán điện của đơn vị phát điện thông qua thị trường điện giao ngay; Việc mua bán điện và thanh toán giữa khách hàng và đơn vị bán lẻ điện; Hợp đồng giữa khách hàng và đơn vị phát điện.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Bất động sản phía Nam đầy hứa hẹn

Bất động sản phía Nam đầy hứa hẹn

Vùng quanh TP.HCM đang nổi lên như một “thỏi nam châm” đầu tư bất động sản nhờ sự phát triển đồng bộ về hạ tầng, quy hoạch rõ ràng và dòng vốn FDI lớn…