Đây là thông tin Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật trả lời báo chí về các giải pháp xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc tại một số dự án BOT trong đó có các điểm nóng như BOT Cai Lậy, BOT cầu Tân Đệ và cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới.
Cụ thể, đối với các dự án đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa được thu phí hoặc chỉ thu phí một phần (Dự án Quốc lộ 1 tuyến tránh thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; Dự án Quốc lộ 10 đoạn La Uyên - Tân Đệ, tỉnh Thái Bình; Dự án Quốc lộ 3 đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới), Bộ GTVT đã trình phương án xử lý cụ thể.
Đối với việc giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại ở những dự án này, đại diện Bộ GTVT cho rằng cần có sự vào cuộc phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương liên quan để giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, tuyệt đối không để kẻ xấu lợi dụng làm ảnh hưởng đến việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của cả nước.
Dự án BOT Cai Lậy, dự kiến sẽ thu phí trở lại theo phương án 1 được UBND Tiền Giang đưa ra từ đầu tháng 9/2018. Tuy nhiên, chưa rõ thời điểm cụ thể trạm BOT này sẽ chính thức thu phí trở lại.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan chủ động rà soát các dự án BOT, có phương án xử lý phù hợp, công khai, minh bạch nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua, trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, nhà đầu tư.
Đầu tháng 9, UBND Tiền Giang đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất 2 phương án xử lý dự án BOT Cai Lậy. - Phương án 1, giữ nguyên vị trí trạm BOT hiện hữu, giảm phí tối đa phương tiện nhóm 1 từ 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt, mở rộng phạm vi giảm phí với người dân khu vực lân cận 10 km. - Phương án 2, xây thêm một trạm trên tuyến tránh và thu cả hai trạm ở tuyến tránh và tuyến chính. Phương tiện lưu thông tuyến nào thu tuyến đó và hoàn vốn của tuyến đó. Mức phí cả hai bằng nhau và như mức phí hiện hữu, mở rộng phạm vi giảm phí với người dân khu vực lân cận 10km. |