Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa kiến nghị Chính phủ chưa xem xét vấn đề “hộ chiếu vaccine”, đồng thời giao Bộ Y tế xây dựng bộ tiêu chuẩn để làm cơ sở xem xét áp dụng và xác định thời điểm thích hợp khi Việt Nam đủ điều kiện áp dụng chính sách hộ chiếu vaccine.
Theo bộ này, hộ chiếu vaccine là giấy chứng nhận không bị nhiễm COVID-19. Người sở hữu hộ chiếu vaccine là người đã tiêm đủ hai lần vaccine chống COVID-19. Vì vậy, người sở hữu hộ chiếu được xem là người khỏe mạnh và có lợi thế hơn khi xin visa để di chuyển đến những quốc gia khác.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều loại vaccine đang lưu hành trên thế giới và có hiệu lực bảo vệ rất khác nhau (từ khoảng 50,2% đến 97%), thời gian bảo vệ cũng khác nhau (từ 6-8 tháng). Việc tiêm đủ liều vaccine không có nghĩa là không bị mắc COVID-19.
“Bởi COVID-19 có sự biến đổi liên tục và ảnh hưởng đến hiệu lực của vaccine, nên đến nay chưa khẳng định được thời gian bảo vệ của vaccine phòng COVID-19…”- Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Thời gian gần đây, một số quốc gia đã ban hành chính sách tạo thuận lợi đi lại trong nước, xuất nhập cảnh, miễn cách ly đối với những người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Chẳng hạn như Singapore, Trung Quốc… Nhưng đa số các nước trên thế giới vẫn chưa triển khai hộ chiếu vaccine.
Vì vậy có thể nhận thấy đây là một vấn đề mới, vẫn chưa được công nhận rộng rãi tại các quốc gia và hiện đang được nghiên cứu thảo luận. Hơn nữa, việc áp dụng hộ chiếu vaccine chỉ thực hiện trên cơ sở song phương với điều kiện về tỉ lệ tiêm chủng giữa các quốc gia tham gia.
Trong khi đó, việc tiêm vaccine tại Việt Nam đang trong giai đoạn đầu với nguồn cung còn hạn chế, tỉ lệ bao phủ chưa cao. Trong khi đó dịch đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới và Việt Nam.
“Do vậy, việc thực hiện hộ chiếu vaccine tại thời điểm này chưa đáp ứng được các yêu cầu của các đối tác với mong muốn là không phải cách ly khi nhập cảnh, đặc biệt là đối với các khách du lịch…", Bộ Kế hoạch và đầu tư cho hay.