Bộ KH&ĐT đề xuất 2 phương án quy mô dự án tối thiểu đầu tư theo PPP

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang lấy ý kiến một số nội dung liên quan đến Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Bộ KH&ĐT đề xuất 2 phương án quy mô dự án tối thiểu đầu tư theo PPP

Đáng chú ý, Bộ KH&ĐT đề xuất những dự án có quy mô tối thiểu từ 1.200 tỉ đồng trở lên mới áp dụng hình thức đầu tư BOT.

Một trong những nội dung quan trọng được Bộ KH&ĐT đưa ra xin ý kiến là quy định về tổng vốn đầu tư để đủ hạn mức được đầu tư theo PPP. Cơ quan soạn thảo dẫn chứng nhiều nước trên thế giới như Canada, Singapore, Anh, Brazil... đều có quy định quy mô tối thiểu của dự án để thực hiện theo hình thức PPP.

Bộ KH&ĐT cho rằng do hợp đồng PPP thường là dài hạn, yêu cầu nhiều cam kết của phía Chính phủ, vì vậy quy định quy mô dự án tối thiểu nhằm lựa chọn được những dự án xứng đáng để đầu tư theo hình thức này, tránh đầu tư dàn trải mang lại hiệu quả không cao.

Từ thực tế này, Bộ KH&ĐT đề xuất lấy ý kiến 2 phương án. Trong đó, phương án 1 là áp dụng quy mô dự án tối thiểu để đầu tư theo phương thức PPP. Theo đó, chỉ thực hiện với dự án từ 1.200 tỷ trở lên. Theo Bộ KH&ĐT, hạn mức 1.200 tỷ này căn cứ hạn mức thấp nhất của các dự án nhóm A theo phân loại tại dự thảo Luật Đầu tư công hiện tại.

Thực tế cho thấy đa số các dự án BOT giao thông và dự án BOT điện trong thời gian qua đều có tổng mức đầu tư từ 1.200 tỉ đồng trở lên. Một số dự án trong lĩnh vực y tế đang được nghiên cứu để triển khai theo hình thức PPP như xây dựng bệnh viện đa khoa, bệnh viện sản nhi cũng có tổng mức đầu tư từ 1.200 tỉ đồng. 

Trong lĩnh vực xử lý nước thải, rác thải, dự án sẽ có tính khả thi về mặt tài chính và hấp dẫn nhà đầu tư hơn khi có quy mô đủ lớn, xử lý tập trung (do có thể tận dụng sản phẩm sau xử lý rác - như điện, phân composite, vật liệu xây dựng... để tăng nguồn thu cho nhà đầu tư).

Phương án 2, Bộ KH&ĐT đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành là không quy định quy mô dự án tối thiểu để áp dụng dự án PPP.

Theo Bộ KH&ĐT, phương thức đầu tư PPP được thực hiện theo 3 nhóm hợp đồng: thu phí từ người sử dụng - BOT (xây dựng, kinh doanh chuyển giao), BTO (xây dựng, chuyển giao, kinh doanh), BOO (xây dựng, sở hữu, kinh doanh), O&M (kinh doanh và quản lý); nhà nước thanh toán theo chất lượng dịch vụ - BLT, BTL; đổi nguồn lực công lấy công trình - BT.

Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 2 loại hợp đồng được áp dụng phổ biến ở Việt Nam trong thời gian qua là BOT và BT.

Cũng theo Bộ KH&ĐT, về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP, Quốc hội sẽ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 15.000 tỉ đồng trở lên và dự án có tổng mức đầu tư từ 40.000 tỉ đồng trở lên và các quy định khác về quy mô cư dân, diện tích đất sử dụng. 

>>Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu báo cáo về dự án BT, để hoàn thiện pháp luật PPP

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...