Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ mua lại bản quyền giống lúa ST25

Bộ NN&PTNT cho biết sẽ xin phép Chính phủ mua lại bản quyền giống lúa ST24, ST25 sau khi nhận được văn bản chính thức của nhóm tác giả về việc muốn nhượng lại bản quyền hai giống lúa này.
Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ mua lại bản quyền giống lúa ST25

Mới đây, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, thông tin đại diện nhóm tác giả của giống lúa ST24, ST25 - ông Hồ Quang Cua cho biết muốn được nhượng quyền lại hai giống lúa này cho Nhà nước.

Tuy nhiên, ông Tiến nói thêm đây mới là nguyện vọng của ông Cua, chứ chưa có văn bản chính thức trình lên Bộ NN&PTNT.

Khi có văn bản chính thức gửi đến Bộ NN&PTNT, Bộ sẽ có tờ trình gửi Chính phủ để xin ý kiến.

Thứ trưởng Tiến cũng cho hay, từ xưa đến nay việc này chưa có tiền lệ, nhưng lãnh đạo Bộ đã bàn sẽ sử dụng kinh phí trong chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 để mua lại bản quyền này.

"Mong muốn của ông Hồ Quang Cua là muốn Bộ, tức là Nhà nước sử dụng để có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các đơn vị có thể sử dụng bản quyền này để thúc đẩy sản xuất giống lúa ST24, ST25 với diện tích rộng hơn, sản lượng lớn hơn phục vụ cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu" - Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Gạo ST24, ST25 do ông Hồ Quang Cua cùng nhóm các nhà khoa học nghiên cứu, lai tạo. Năm 2019, gạo ST25 đạt giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi ở Philippines và tiếp tục đoạt giải nhì trong năm sau đó.

Trong tháng 3 vừa qua, gạo ST25 gây xôn xao dư luận khi bị năm công ty tại Mỹ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại thị trường Mỹ và Úc.

Sau đó, Thương vụ Việt Nam tại hai nước này đã làm việc với các bên liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phản đối nhãn hiệu bị đơn vị khác đăng ký bảo hộ.

Trước đó, ông Hồ Quang Cua, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí đã ủy quyền cho Tập đoàn PAN làm thủ tục bảo hộ nhãn hiệu ST24, ST25 tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Theo thỏa thuận, PAN sẽ nhận ủy quyền đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với giống cây trồng "ST24", "ST25"; đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu ST24, ST25; đồng thời ngăn chặn, bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu.

Theo đơn vị này, ST25 là một nhãn hiệu tốt có thể giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt gia tăng về doanh thu, uy tín ở nước ngoài. Đồng thời, ST25 cũng có thể phát triển thành tài sản quốc gia dưới dạng nhãn hiệu được chứng nhận quốc tế.

Tại Mỹ, Việt Nam chỉ còn 30 ngày kể từ ngày 4/5 để khiếu nại nhãn hiệu ST25 lên Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu (USPTO) sau khi cơ quan này công bố chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu ST25 cho gạo của Công ty I&T Enterprise, Inc. Trong trường hợp xấu nhất, doanh nghiệp Việt sẽ gặp khó khi muốn xuất khẩu gạo ST25 sang những nước đã mất nhãn hiệu.

Không chỉ Mỹ, một doanh nghiệp ở Australia cũng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24, ST25. Thương vụ Việt Nam tại hai nước này cho biết đã làm việc với các bên liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phản đối nhãn hiệu bị đơn vị khác đăng ký bảo hộ.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...