Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3 năm 2021 ước đạt 450 nghìn tấn với giá trị đạt 246 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2021 đạt 1,1 triệu tấn với giá trị 606 triệu USD, giảm 30,4% về khối lượng và giảm 17,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021, chiếm 38,3% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt 225,9 nghìn tấn và 137,6 triệu USD, giảm 28,3% về khối lượng và giảm 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng 3/2021, giá xuất khẩu bình quân gạo Việt Nam đạt 547 USD/tấn, tăng 0,5% so với tháng 2/2021 và tăng 19,1% so với tháng 3/2020. Tính bình quân trong quý I/2021, giá gạo xuất khẩu bình quân đã tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 547USSD/tấn. Nguyên nhân tăng do nhu cầu mua gạo Đông Xuân vụ mới từ Việt Nam của các đối tác nước ngoài tăng cao.
Tại thị trường trong nước, trong tháng 3/2021, giá lúa Đông Xuân tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long diễn biến giảm. Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 giảm từ 7.100 đồng/kg xuống 6.600 đồng/kg; lúa OM 2514 giảm từ 7.000 đồng/kg xuống 6.600 đồng/kg; gạo thường có giá 11.000 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 15.000 đồng/kg. Tại Kiên Giang, lúa IR50404 giảm mạnh, từ 7.300 – 7.400 đồng/kg xuống còn 6.300 – 6.400 đồng/kg; lúa OM 6976 giảm còn 6.400 – 6.600 đồng/kg,…
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, xuất khẩu gạo bắt đầu từ cuối tháng 3/2021 sẽ sôi động hơn khi nguồn cung lúa hàng hóa có mặt trên thị trường dồi dào và các doanh nghiệp đã hoàn tất chế biến gạo xuất khẩu.