Bộ Tài chính cho biết sẽ lồng ghép, kết hợp hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho người nộp thuế, người khai hải quan và các hoạt động quản lý nhà nước khác theo chức năng.
Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho DNNVV tập trung vào các nhóm văn bản về thuế, hải quan, chứng khoán, giá, bảo hiểm… Trong đó, các đơn vị tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng, liên quan đến các quy định của pháp luật về thuế, hải quan, chứng khoán. Trên cơ sở đó, tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải đáp cho doanh nghiệp trong thực tiễn áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ cũng lưu ý các đơn vị thuộc Bộ tổ chức tiếp nhận các vướng mắc, kiến nghị và giải đáp pháp luật cho DNNVV, thông qua các hình thức như: Giải đáp bằng văn bản, thông qua mạng điện tử, giải đáp trực tiếp hoặc thông qua điện thoại, cũng như các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Việc hỗ trợ pháp lý cũng được thực hiện thông qua các cuộc hội nghị phổ biến, tập huấn kiến thức pháp luật; trao đổi, thảo luận, tọa đàm lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); biên soạn ấn phẩm, tài liệu, tờ rơi, tờ gấp giới thiệu các văn bản QPPL; viết tin, bài giới thiệu trên các báo và tạp chí.
Bộ Tài chính là bộ đa ngành, đa lĩnh vực, số lượng văn bản quy phạm pháp luật ban hành hàng năm rất lớn, do vậy Bộ Tài chính luôn coi trọng việc phổ biến pháp luật, cũng như đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.