Chỉ thị nêu rõ, trong 11 tháng năm 2022, tình hình kinh tế - chính trị thế giới diễn biến nhanh, phức tạp; giá các mặt hàng nguyên vật liệu chiến lược trong đó có giá xăng dầu tăng cao trong nửa đầu năm đã gây sức ép lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát trong nước.
Trong bối cảnh đó, công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt và đồng bộ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đạt được kết quả tích cực, góp phần cơ bản kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, thời gian từ nay đến cuối năm và trong quý 1/2023 dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình cung cầu, giá cả các mặt hàng nguyên vật liệu thiết yếu dự kiến còn nhiều biến động phức tạp khó lường đòi hỏi công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cần tiếp tục chú trọng tăng cường nhằm tạo nền tảng thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2023.
Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị trực thuộc cần theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có giải pháp ứng phó phù hợp; cập nhật sát tình hình cung cầu, giá cả thị trường trong nước để kịp thời tham mưu các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường, nhất là trong thời điểm trước, trong và sau Tết; tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; qua đó tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội. Kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, quyết toán thuế, công tác hoàn thuế.
Cục Quản lý giá có trách nhiệm, chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan, các đơn vị chức năng thuộc bộ, ngành tổ chức nắm bắt thông tin, theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả; nhất là đối với một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; mặt hàng tư liệu sản xuất quan trọng có giá biến động lớn; tham mưu kịp thời cho Bộ các biện pháp quản lý, điều hành bình ổn giá phù hợp nhằm ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát.
Các Sở Tài chính có trách nhiệm, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn.
Các cơ quan, tổ chức trung ương thuộc Bộ Tài chính đóng tại địa phương có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ban, ngành tổ chức triển khai công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trên địa bàn.
Cụ thể, Cục Hải quan cần tăng cường công tác quản lý rủi ro, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh các hoạt động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, tập trung tại các tuyến và địa bàn trọng điểm thuộc địa bàn quản lý của đơn vị.
Cục Dự trữ Nhà nước khu vực phải xuất cấp kịp thời hàng dự trữ quốc gia theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Dự trữ Nhà nước nhằm đảm bảo an sinh xã hội, cứu đói cho dân trong thời gian giáp hạt và dịp Tết cho các vùng bị thiên tai, bão lũ, dịch bệnh...
Cục thuế chỉ đạo rà soát nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN; Quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ quy định, tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn việc trốn thuế, nợ đọng thuế và chuyển giá.
Kho bạc Nhà nước tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua kho bạc nhà nước, kiên quyết từ chối thanh toán các trường hợp không đủ điều kiện thanh toán theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ Tài chính thực hiện tốt các công việc đã đề ra.