Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh vừa ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
Trong Kế hoạch hành động này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ động triển khai thực hiện những nội dung công việc trong lĩnh vực được giao nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong toàn ngành Công Thương.
"Trong Kế hoạch hành động lần này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Tổng cục Năng lượng, Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nặng, Vụ Công nghiệp nhẹ theo chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực được phân công, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại của các dự án thua lỗ, kém hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các Thứ trưởng chịu trách nhiệm chỉ đạo, xử lý các vấn đề trong xây dựng và thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển thương mại trong nước, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm để hạn chế tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ việc sản xuất phân bón; xây dựng, ban hành bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia về phân bón; đề xuất phương án thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hàng này; xây dựng cơ chế khuyến khích sản xuất để bảo đảm tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp ô tô.
Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực năng lượng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý các công trình, dự án thủy điện vi phạm pháp luật về đầu tư, về bảo vệ môi trường, xả lũ gây thiệt hại cho đời sống, sản xuất của nhân dân vùng hạ lưu. Tổng rà soát, đánh giá quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác các công trình thủy điện. Rà soát, đánh giá lại một cách toàn diện các quy trình xả lũ để xác định những hạn chế, bất cập từ đó khẩn trương hoàn thiện bảo đảm an toàn, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn ở các địa phương.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị khẩn trương xử lý dứt điểm các dự án, không để tiếp tục kéo dài gây thiệt hại cho Nhà nước; xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, từ đề xuất chủ trương, thẩm định, phê duyệt đến thực hiện các dự án; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra; đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực này.
Trên tinh thần này, Bộ Công Thương sẽ thành lập Ban Chỉ đạo của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng Ban Chỉ đạo để tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai xử lý khẩn trương, dứt điểm các vấn đề tồn tại ở các dự án lớn chậm tiến độ, kém hiệu quả trong ngành Công Thương.
Trước đó, giải trình tại Kì họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết đã có báo cáo về 5 dự án nghìn tỷ thua lỗ, thời gian qua các cơ quan chức năng phối hợp tháo gỡ nhưng "chưa đạt hiệu quả”.
Ngoài 5 dự án này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, còn có một số dự án khác cũng đứng trước nguy cơ mất vốn, nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời, và sẽ có khả năng kém hiệu quả gây ra nguy cơ mất vốn, đầu tư từ nguồn lực của nhà nước cũng như nguồn lực của xã hội. Bộ Công Thương nỗ lực bằng nhiều cách không để thất thoát vốn Nhà nước và làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị liên quan.
5 dự án nghìn tỷ thua lỗ, nguy cơ phá sản: 1. Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư; 2. Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia) có tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung; 3.Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, do Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư; 4. Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An có tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải – Tracodi làm chủ đầu tư. Đến năm 2009, dự án này được chuyển cho Tổng công ty Giấy Việt Nam - Vinapaco theo Quyết định 731/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; 5. Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng với chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam. |