Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sẽ có hướng dẫn cụ thể về chuyển đổi số trong năm nay

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước ngành TT&TT tháng 1/2022 được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, phải hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương chuyển đổi số (CĐS) một cách cụ thể trong năm 2022.

Theo Bộ trưởng, năm 2022 là phải biến CĐS từ trừu tượng, mơ hồ thành một việc dễ làm, có thể làm ngay, không phải đầu tư. Trong năm 2022, CĐS là trước tiên là phải vì dân, sau đó đến năm 2023, chính quyền sẽ thể chế hóa những gì đã thực hiện đúng để thúc đẩy và đi trước về CĐS.

Sẽ đẩy mạnh đầu tư về CĐS tại các bộ, ngành, địa phương

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định tổng diễn tập CĐS năm 2021 đã đi qua, năm 2022 là năm tổng tiến công CĐS. Do đó trong năm 2022, đầu tư về CĐS tại các bộ, ngành, địa phương sẽ được đẩy mạnh và tập trung hơn. Để thực hiện được điều đó, Bộ cần có biện pháp bảo vệ đầu tư CĐS để không xảy ra tai nạn. Cụ thể, cần khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn về triển khai, các tiêu chí đánh giá dự án CĐS, thành lập các Tổ hậu kiểm, giám sát nhằm hỗ trợ hoạt động đầu tư CĐS tại các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm hiệu quả, thực sự mang lại giá trị có thể định lượng, đo đếm được.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Lan Phương
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Lan Phương

Ngay tại hội nghị, Bộ trưởng đã giao cho Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chủ trì, soạn thảo một hướng dẫn về CĐS năm 2022 cho các bộ, ngành và địa phương bằng các công việc cụ thể, rõ ràng.

Bộ trưởng lấy ví dụ CĐS tại các địa phương là CĐS cho các hộ nông dân, đưa nông sản lên sàn TMĐT. CĐS y tế là đưa các hộ gia đình lên các nền tảng khám chữa bệnh từ xa. CĐS giáo dục là đưa học sinh lên một số nền tảng đào tạo trực tuyến (online) như học tiếng Anh, một số môn học quan trọng để học sinh có thể học tập thêm. CĐS chính quyền là nền tảng phản ánh hiện trường, điều hành các chỉ số kinh tế - xã hội và cách triển khai là thành lập các tổ công nghệ cộng đồng. Nếu không giải quyết vấn đề "lõm sóng" ở vùng sâu, xa thì không CĐS được. Những người ở vùng sâu xa rất cần CĐS.

Để CĐS mạnh mẽ và đến vùng sâu, xa Bộ trưởng cho rằng các DN hạ tầng số phải đảm bảo hạ tầng số khi phải giải quyết được "lõm sóng" trong quý 1 năm 2022 và thông qua xã hội hóa để 100% các hộ gia đình có thiết bị di động thông minh.

Trong vai trò dẫn dắt CĐS quốc gia, Bộ TT&TT cần phải đi đầu về CĐS trong nội bộ, làm kiểu mẫu về CĐS, đưa toàn bộ công việc lên môi trường số. 

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh năm 2022, các hoạt động, các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ phải phục vụ, tập trung, chú trọng vào người dân. Các lĩnh vực quản lý của Bộ phải có cẩm nang hướng dẫn cho người dân, các đối tượng. Cẩm nang là phổ biến tri thức cho người dân và phải được xem là công cụ quản lý nhà nước.

Nhiều bộ, ngành, địa phương kiện toàn Ban Chỉ đạo CĐS

Theo Bộ TT&TT, nhiều bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo CĐS để quyết liệt chỉ đạo triển khai CĐS. Hiện đã có khoảng 20 bộ/cơ quan ngang bộ/cơ quan thuộc Chính phủ; 28 tỉnh/thành phố đã ban hành quyết định kiện toàn.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 11 điểm cầu và một số thiết bị cá nhân. Ảnh: Lan Phương
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 11 điểm cầu và một số thiết bị cá nhân. Ảnh: Lan Phương

Vấn đề tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS được chú trọng. Bộ TT&TT đã xây dựng Cổng thông tin T63 - Câu chuyện số của 63 tỉnh, thành phố tại địa chỉ T63.mic.gov.vn để phổ biến, chia sẻ câu chuyện CĐS cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Các nền tảng triển khai chính phủ điện tử, chính phủ số tiếp tục được phát triển: CSDL quốc gia về dân được phát triển, đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương (ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030); ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị triển khai Đề án trên phạm vi toàn quốc.

Dịch vụ công (DVC) trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh triển khai. Tính đến ngày 20/01/2022, tỷ lệ DVC trực tuyến mức độ 4 đủ điều kiện được cung cấp đạt khoảng 96,74%; khoảng 3.500 DVC trực tuyến được tích hợp lên Cổng DVC quốc gia.

Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 21/01/2022, Cổng DVC quốc gia đã có trên 36.000 tài khoản đăng ký; trên 2,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 67.000 lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích từ cổng; trên 114.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; trên 40 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 90 tỷ đồng. Tính đến nay, Cổng đã cung cấp 3.485 DVC trực tuyến mức độ 3, 4; đã có hơn 1,37 triệu tài khoản đăng ký; hơn 91,9 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 4,34 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 2,72 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 561.000 giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 793 tỷ đồng.

Về phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, CSDL quốc gia về dân cư được phát triển, đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương; Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã kết nối với tất cả các bộ, ngành, địa phương phục vụ kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước (hàng ngày có khoảng 1 triệu giao dịch qua nền tảng).

Tổng giao dịch thực hiện thông qua NDXP tháng 01/2022 là 50.625.591 (tính đến 11 giờ ngày 28/01/2022), tăng hơn 24 lần so cùng kỳ năm 2021 (2.090.616).

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Giá iPhone 16 chính hãng hạ nhiệt

Giá iPhone 16 chính hãng hạ nhiệt

iPhone 16 chính hãng vừa được điều chỉnh giá bán, đây là cơ hội cho những ai muốn sở hữu chiếc điện thoại mới của nhà táo với mức giá hợp lý…

1C Việt Nam với nền tảng Low-Code mạnh mẽ đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp triển khai ERP thành công

Giải pháp ERP trên nền tảng công nghệ Low-Code của 1C Việt Nam

Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng của việc ứng dụng ERP để nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa quy trình và đưa ra quyết định kinh doanh chính xác hơn… Tuy nhiên, việc triển khai ERP vẫn còn gặp nhiều thách thức, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Gói cước 5G có gì mới so với 4G?

Gói cước 5G có gì mới so với 4G?

Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, mạng 5G đang mở ra một cuộc cách mạng mới trong việc kết nối và trải nghiệm Internet, mang đến tốc độ nhanh hơn và dung lượng lớn hơn gấp nhiều lần so với 4G…