Sáng nay, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề sim rác. Theo ông Hùng, sim rác là vấn đề đã kéo dài trong một thời gian, dù vậy, vẫn bản thân sim rác chưa được định nghĩa theo pháp luật.
Sim rác hiện được hiểu là sim không có thông tin, không xác định được người dùng. Nó có 2 dạng: hoặc được kích hoạt sẵn trên kênh phân phối, mua bán dễ dàng, hoặc là sim đã đến tay người dùng.
"Hôm qua tôi có nói giải pháp căn cơ để xử lý là người dùng sim phải chính danh, phải đăng ký đầy đủ thông tin. Gốc thông tin là cơ sở dữ liệu, trong đó có số chứng minh thư, ảnh, vân tay", ông nói và cho biết chủ khi đăng ký như vậy mới chính xác, đúng người đúng sim.
Trong khi cơ sở dữ liệu người dùng chưa có, Bộ TTTT đã làm một số công việc. Thứ nhất là thu hồi sim rác. Theo Bộ trưởng, từ cuối 2016, nhà mạng đã thu hồi sim rác kích hoạt trên các kênh phân phối.
"Đến tháng 7/2017 đã thu hồi 24 triệu sim, trong đó 50% thuộc về nhà mạng lớn nhất là Viettel", Bộ trưởng nói.
Thứ hai, Bộ trưởng cho biết Bộ đã yêu cầu người dùng đăng ký lại thông tin thuê bao, trong đó có cung cấp ảnh. Những thuê bao không đủ thông tin, không đăng ký lại thì kiên quyết cắt dịch vụ.
"Sắp tới khi đăng ký sim mới kiên quyết phải bao gồm đầy đủ thông tin, ảnh", ông nói và nhấn mạnh các nhà mạng cũng không được phép đưa ra thị trường những sim giá rẻ để người tiêu dùng dùng sim thay thẻ.
Thứ ba, Bộ TTTT đã giao cho VNPT nghiên cứu công nghệ nhận dạng, dự kiến quý II/2019 sẽ xong.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng khi ba giải pháp này khi thực hiện đồng bộ sẽ giải quyết được triệt để vấn đề sim rác.
Chiều 31/10, lần đầu tiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông mới nhậm chức Nguyễn Mạnh Hùng. Các đại biểu Quốc hội muốn biết giải pháp của tân Bộ trưởng để giải quyết vấn nạn sim rác chưa thể khắc phục suốt thời gian qua.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, xử lý sim rác, cần gắn người đăng ký sử dụng sim với CMND của người đó. Ông Hùng chia sẻ kinh nghiệm quản lý CMND ở các nước là gắn với một ID (mã định danh cá nhân) duy nhất của mỗi người với cả ảnh, định dạng vân tay… Khi một người đăng ký sử dụng sim, chỉ cần quét thẻ CMND sẽ có ảnh hiện ra, nếu ảnh đó trùng khớp với người đi đăng ký thì nhà mạng mới cấp cái sim đó.
“Như vậy cần phải nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân. Đó là điểm mấu chốt, không chỉ để gỡ nạn sim rác mà còn giúp cho tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử”, Bộ trưởng TT-TT đáp.