Bộ trưởng Tài chính lên tiếng về đề xuất thuế tài sản

Chiều 20/4, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời phỏng vấn báo chí một số vấn đề liên quan đề xuất Dự án Luật Thuế tài sản.
Bộ trưởng Tài chính lên tiếng về đề xuất thuế tài sản

Buổi gặp mặt báo chí được thực hiện ngay khi ông Dũng vừa kết thúc chuyến thăm Hàn Quốc về nước. Trong thời gian ông làm việc tại Hàn Quốc đề xuất đánh thuế tài sản đã vấp phải sự phản đối rất mạnh của dư luận trong nước.

Chính phủ đã giao?

Mở đầu cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lý giải, việc công bố Dự thảo Luật Thuế tài sản chỉ là bước đầu. “Bộ Tài chính rất hoan nghênh, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhân dân cả nước về dự thảo luật này để trình Chính phủ. Nếu Chính phủ thông qua sẽ báo cáo Quốc hội thông qua trong nhiệm kỳ này”, ông Dũng nói.

Ông Dũng khẳng định, cơ sở để Bộ đưa ra dự án luật này là các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ. Ông dẫn chứng: Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020; Đề án của Chính phủ về huy động, khai thác nguồn lực đất đai; Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Ngoài ra, còn có Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính ngân sách giai đoạn 2016-2020, trong đó nêu rõ yêu cầu phải hoàn thiện pháp luât về thuế tài sản, bao gồm đất đai… “Chúng tôi xây dựng dự thảo luật vừa rồi để xin ý kiến nhân dân. Nó sẽ đóng góp nhiều vào công tác phòng chống tham nhũng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, hạn chế sử dụng tài sản công, nâng cao minh bạch, góp phần cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước”, ông Dũng khẳng định.

Ít ngày trước, sau khi đề xuất đánh thuế với nhà, đất của Bộ Tài chính vấp phải phản đối của dư luận, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ: Việc Bộ Tài chính gửi xin ý kiến rộng rãi về đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tài sản là thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong giai đoạn nghiên cứu, đề xuất chính sách để đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, chưa phải là xây dựng dự án luật.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét, cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính. Vì theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh chỉ được trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến sau khi đã lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và được Bộ Tư pháp thẩm định”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.

Ngay sau đó, Quốc hội cũng cho biết, hiện chưa có bất cứ đề xuất gì về thuế tài sản trình lên Quốc hội. Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội năm 2018-2019 cũng chưa có Luật Thuế tài sản.

Căn bản nhất vẫn là mở rộng thu

Dù đồng ý giảm chi để tiết kiệm ngân sách, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, trong bối cảnh cắt giảm thuế do hội nhập, giá dầu giảm, nên đặt ra yêu cầu phải mở rộng nguồn thu. “Chúng ta sẽ cơ cấu lại chính sách thu, cùng với việc mở rộng nguồn thu. Đây là giải pháp căn bản nhất để đảm bảo cơ cấu thu ngân sách nhà nước thời gian tới”, ông Dũng nói.

Theo người đứng đầu ngành Tài chính, thời gian qua đã tiết kiệm các khoản chi cho hội nghị, hội thảo, khoán xe công... Tới đây cần tinh giản bộ máy, biên chế. Nhưng muốn làm được phải có sự vào cuộc của các cấp ngành. Hai năm qua, Bộ Tài chính đã giảm 27 đầu xe công.

Đồng thời, Bộ đang rà soát, sắp xếp lại Kho bạc Nhà nước thông qua giải thể, sáp nhập 43 kho bạc các tỉnh thành theo hướng liên vùng, liên huyện, xã. Năm 2018, Bộ Tài chính dự kiến giảm từ 327 chi cục thuế còn 154 chi cục; năm 2019 sắp xếp 53 chi cục thuế để còn 25 chi cục; năm 2020, sắp xếp 168 chi cục thuế còn 78 chi cục.

Ngày 13/4, Bộ Tài chính công bố Dự thảo Luật Thuế tài sản. Dự luật đã vấp phải phản ứng mạnh của dư luận khi đề xuất đánh thuế với nhà trị giá từ 700 triệu đồng trở lên, mức thuế 0,4%/năm. Dư luận cũng phản ứng việc thêm thuế mới khi các sắc thuế khác vẫn được Bộ Tài chính đề xuất tăng, như thuế VAT, thuế môi trường với xăng dầu, thuế tiêu thụ đặc biệt... Trong khi đó, tình trạng chi lãng phí, kém hiệu quả, chi thường xuyên lớn... vẫn chưa được kiểm soát.

Báo Tiền Phong từng dẫn chứng, nhiều khoản chi ngân sách Bộ Tài chính có thể kiểm soát, cắt giảm như: Nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước; cắt giảm chi cho xe công; tinh giản bộ máy nhà nước; nâng cao hiệu quả đầu tư; quản lý tốt đất đai công sản, để không xảy ra bán rẻ đất nhà công như ở Đà Nẵng, TPHCM và nhiều địa phương khác...

Khánh Chi

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...