Chiều 6/2 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp chủ trì cuộc làm việc với các bộ, ngành về phương án sắp xếp các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), DN có vốn góp của Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2016-2020.
"Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết giai đoạn 2016-2020 sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu toàn diện đối với 16 DN (gồm 12 tổng công ty-công ty cổ phần và 4 tổng công ty-công ty TNHH Một thành viên) mà trọng tâm là kết thúc cổ phần hóa và tiếp tục thoái vốn theo lộ trình hợp lý.
Các DN này gồm Tổng công ty: DIC, Sông Hồng, Bạch Đằng, VIGLACERA, VIWASEEN, Xây dựng Hà Nội, LICOGI, LILAMA, CC1, FICO, VNCC, COMA, HUD, Sông Đà, IDICO và VICEM. Trong đó, 12 DN đã được Bộ Xây dựng thực hiện cổ phần hóa, 4 DN còn lại là Sông Đà, IDICO, HUD, VICEM mới được bổ sung theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn Nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020.
Ông Phạm Hồng Hà cho rằng kết quả thực hiện tái cơ cấu DNNN thuộc Bộ giai đoạn 2011-2015 chưa được cao (tiến độ thực hiện chậm, chưa nâng cao được sức cạnh tranh của DN, tỉ lệ vốn Nhà nước còn nhiều) nhưng Bộ Xây dựng đã không để xảy ra thất thoát, lãng phí và tham nhũng.
Về thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết 16 DN thuộc Bộ nắm giữ khối tài sản rất lớn, diện tích đất đai rộng với hàng chục vạn lao động nên quan điểm của Bộ này là thực hiện nghiêm túc chủ trương cổ phần hóa tại Quyết định số 58 của Thủ tướng Chính phủ.
“Bộ Xây dựng không có DN nào thuộc danh mục Nhà nước nắm giữ 100% vốn nhưng cần được thực hiện thoái vốn, chuyển quyền đại diện chủ sở hữu theo lộ trình của Quyết định 58 để bảo đảm tránh thất thoát vốn Nhà nước; thực hiện nhuần nhuyễn tái cơ cấu DNNN với cổ phần hóa để tạo dựng đội ngũ DN công nghiệp-xây dựng tương xứng với vị thế của đất nước 90 triệu dân, bảo đảm an ninh kinh tế và vai trò điều tiết hàng hóa của Nhà nước”, ông Phạm Hồng Hà nói đồng thời cho biết sẽ gắn việc sắp xếp, tái cơ cấu DN với tái cơ cấu của ngành xây dựng nói chung.
Cụ thể, Bộ Xây dựng đề xuất sẽ giữ nguyên tỉ lệ vốn Nhà nước như hiện tại ở Tổng công ty LICOGI và chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) từ quý I/2017; nhóm 10 tổng công ty-công ty cổ phần cần thời gian hoàn tất công tác cổ phần hóa, quyết toán vốn Nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn về mức 36% hoặc Nhà nước không nắm giữ và chuyển giao về SCIC hoặc cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước trong các năm 2018-2019; nhóm 5 tổng công ty (LILAMA, VICEM, Sông Đà, VIGLACERA, HUD) do nắm giữ khối tài sản lớn hay đã và đang tham gia xây dựng các công trình trọng yếu quốc gia sẽ thoái bớt vốn để Nhà nước giữ chi phối 51% đến hết năm 2020, từ năm 2021 sẽ thoái tiếp theo quy định và chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước.
Bộ Xây dựng cũng tiếp tục chỉ đạo các tổng công ty thoái vốn Nhà nước tại các công ty con, công ty liên kết ở 170 danh mục trong 4 năm tới.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bàn giao Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long và Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao về VICEM với tư cách là các công ty cổ phần, phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ của công ty khi 2 DN này đang bắt đầu làm ăn có lãi.
Cho ý kiến vào phương án của Bộ Xây dựng, lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, LĐTB&XH, Văn phòng Chính phủ đồng tình với chủ trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chủ trương sắp xếp, đổi mới DNNN của Chính phủ, nhất là Quyết định số 58 của Thủ tướng Chính phủ.
Thống nhất cao với ý kiến các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Xây dựng hoàn thiện lộ trình thoái vốn và chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại DN đầy đủ và đúng theo chủ trương của Chính phủ, nhằm tối đa hóa lợi ích của Nhà nước. Tuy nhiên, đối với 10 tổng công ty-công ty cổ phần thì Bộ Xây dựng phải bán hết vốn Nhà nước vào năm 2018; DN nào còn giữ 36% vốn thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đối với nhóm 5 tổng công ty thì chậm nhất năm 2019 phải thoái vốn dưới 51%.
Về 2 Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao và Hạ Long, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình chuyển về VICEM như đề xuất của Bộ Xây dựng và ý kiến các bộ liên quan, đồng thời lưu ý phải tính toán cụ thể, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt việc phát hành thêm cổ phần, tăng vốn điều lệ cho 2 công ty này.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Xây dựng rà soát, đốc thúc các doanh nghiệp đã IPO rồi thì thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán theo đúng quy định; phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư tăng cường quản lý DN về công tác cán bộ, quản lý đất đai, sắp xếp lại nhân sự, lao động dôi dư, giải quyết triệt để các vướng mắc liên quan tới cổ phần hóa để bảo đảm lợi ích của Nhà nước. Bộ Xây dựng kiểm soát việc cổ phần hóa của các công ty con của các tổng công ty để quản lý chặt chẽ kế hoạch bán vốn Nhà nước.