Như Thương Gia đã có bài viết đăng tải BOT cầu Bạch Đằng vỡ phương án tài chính dù mới hoạt động cho thấy một số điểm bất thường cần được làm rõ một dự án BOT như dự án BOT cầu Bạch Đằng được thế chấp tại ngân hàng để đảm bảo cho khoản vay không có gì bất thường. Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư của dự án BOT này thế chấp bổ sung toàn bộ vốn góp vào dự án cho ngân hàng là sự việc bất thường và đặt ra một số câu hỏi cần giải đáp. Về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Bùi Đức Nhã - Công ty Luật TNHH Tuệ Anh.
Theo Luật sư, các nhà đầu tư có cần phải vay thêm tiền để thực hiện dự án hay không?
Có thể khẳng định rằng các nhà đầu tư không cần thiết phải vay thêm tiền và cũng không thể vay thêm tiền để thực hiện dự án BOT cầu Bạch Đằng. Bởi lẽ, theo hợp đồng BOT và phụ lục hợp đồng BOT đã được ký kết, vốn chủ sở hữu đã phải đạt 855 tỷ đồng (chiếm 11,12% tổng vốn đầu tư), vốn vay là 6.352,065 tỷ đồng (chiếm 88,89% tổng vốn đầu tư). Trên thực tế, dự án BOT cầu Bạch Đằng đã được thế chấp để đổi lấy khoản vay 6.397 tỷ đồng, vượt quá nhu cầu vay vốn theo hợp đồng BOT. Ngoài ra, trừ khi được VietinBank đồng ý, dự án mới được phép thế chấp cho một khoản vay khác tại một tổ chức tín dụng khác. Như vậy, nếu vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư đã có đủ, không có lý do gì các nhà đầu tư phải vay thêm tiền để thực hiện dự án BOT cầu Bạch Đằng.
Các nhà đầu tư thế chấp vốn góp để làm gì?
Thông thường, việc thế chấp sẽ xảy ra khi bên thế chấp có nhu cầu vay tiền hoặc có nhu cầu đảm bảo thực hiện một nghĩa vụ khác (ví dụ như bảo lãnh cho một khoản vay của bên thứ ba).
Trường hợp các nhà đầu tư thế chấp vốn góp tại dự án BOT cầu Bạch Đằng để vay tiền nhằm mục đích sử dụng riêng trong quá trình kinh doanh, đây là một nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, điều bất thường là trong số 8 nhà đầu tư tại dự án BOT cầu Bạch Đằng, ngoại trừ nhà đầu tư Nhật Bản là Tập đoàn SE ra, 7 nhà đầu tư Việt Nam còn lại đều thế chấp toàn bộ vốn góp tại dự án cho cùng một chi nhánh ngân hàng VietinBank. Đặc biệt hơn nữa, các hoạt động thế chấp này lại được diễn ra trong gần như trong cùng một thời điểm (đều là ngày 06/04/2016 hoặc ngày 03/11/2016). Rất có khả năng tồn tại một mối quan hệ giữa những hoạt động thế chấp của các chủ đầu tư tại dự án BOT cầu Bạch Đằng.
Trường hợp các nhà đầu tư thế chấp vốn góp để đảm bảo thực hiện một nghĩa vụ khác, chúng ta có thể nghĩ ngay đến việc đảm bảo cho khoản vay trị giá 6.397 tỷ đồng của dự án được Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng ký vào tháng 03/2016. Nếu không phải các nhà đầu tư đảm bảo cho khoản vay của dự án này thì có một khoản vay nào khác mà 7 nhà đầu tư nêu trên cần cùng nhau đứng ra bảo lãnh? Nếu việc thế chấp của các nhà đầu tư đúng là để đảm bảo cho khoản vay của dự án BOT cầu Bạch Đằng, dưới góc độ của VietinBank có thể coi đây là hành động tăng tài sản đảm bảo (tài sản thế chấp) của khoản vay. Tuy nhiên, về bản chất, giá trị vốn góp của các nhà đầu tư (tài sản thế chấp) phụ thuộc vào giá trị của chính Dự án BOT cầu Bạch Đằng mà Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng làm chủ đầu tư. Trong trường hợp xấu, nếu giá trị dự án BOT cầu Bạch Đằng bị giảm (thực tế hiện nay giá trị dự án đã giảm), giá trị vốn góp của Dự án đương nhiên cũng bị giảm. Như vậy mục đích tăng tài sản đảm bảo của VietinBank này có thực sự mang lại hiệu quả như kỳ vọng?
Tóm lại, mục đích của việc thế chấp vốn góp cần được làm rõ, từ đó mới có thể đánh giá được tính minh bạch của dự án BOT cầu Bạch Đằng, đánh giá được năng lực của nhà đầu tư cũng như đánh giá được tính khả thi của việc thế chấp vốn góp.
Dự án trên đang thua lỗ, theo Luật sư phương án xử lý đối với dự án như thế nào?
Hiện nay, dự án BOT cầu Bạch Đằng đang bị rơi vào tình trạng hụt thu so với phương án tài chính đưa ra ban đầu (chỉ đạt từ 35% đến 37% so với phương án tài chính). Điều này dẫn đến việc tiến độ thu hồi vốn theo dự kiến khó có thể đạt được, kèm theo đó là việc dự án không thể trả nợ vay đúng hạn. Như vậy, khoản vay này của dự án chắc chắn sẽ được liệt vào danh sách nợ xấu của VietinBank.
Trong trường hợp Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng không thể duy trì được hoạt động của Dự án BOT cầu Bạch Đằng như dự kiến ban đầu, doanh nghiệp này có thể lâm vào tình trạng phá sản như lời kêu cứu của chính doanh nghiệp.
Ông có thể nói rõ hơn về những thiệt hại do dự án không đạt được kế hoạch đề ra có thể sẽ như thế nào?
Ngay cả khi một trong các đề xuất bất kỳ của nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp được thông qua, ngân sách nhà nước sẽ phải chịu thiệt hại hoặc người dân phải chịu thêm gánh nặng chi phí khi tham gia giao thông.
Nếu không có phương án nào được thông qua và tình trạng hụt thu vẫn tiếp diễn như hiện nay, chắc chắn Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng sẽ mất khả năng trả nợ cho VietinBank. Từ đó VietinBank sẽ rơi vào tình trạng không thể thu hồi khoản tiền đã cho vay tại dự án và VietinBank sẽ phải chịu toàn bộ thiệt hại do việc không thể thu hồi khoản vay này. Hiện nay, Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam (VietinBank) là ngân hàng có tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước chiếm trên 50%. Như vậy, khi VietinBank bị thiệt hại trong dự án BOT cầu Bạch Đằng thì Nhà nước cũng bị thiệt hại tương đương trên 50% trong tổng số thiệt hại này.
Luật sư có đánh giá gì về trách nhiệm của một số cá nhân tổ chức?
Để xảy ra tình trạng hụt thu dẫn đến thiệt hại của VietinBank cũng như của Nhà nước hiện nay, rất nhiều bên có thể phải chịu trách nhiệm. Phần lỗi đầu tiên có thể thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong dự án BOT là UBND tỉnh Quảng Ninh và các nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu tính khả thi của dự án. UBND tỉnh Quảng Ninh và các nhà đầu tư có lẽ đã đánh giá không đúng và toàn diện về tính khả thi của dự án BOT cầu Bạch Đằng nên khi dự án đi vào vận hành đã không đạt kết quả tốt. Ngoài ra, không thể phủ nhận trách nhiệm của Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam – Chi nhánh Ba Đình trong quá trình thẩm định và phê duyệt khoản vay, từ đó dẫn đến thiệt hại cho Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam cũng như Nhà nước.
Xin cám ơn!