Phát biểu tại chương trình Bữa sáng doanh nhân sáng 27/5, Chủ tịch Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng - VACOD và Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hà Nội – HBA, TS Nguyễn Hồng Sơn cho biết, hiện nay, vướng mắc của doanh nghiệp trong đầu tư phòng cháy chữa cháy đối với công trình xây dựng cơ bản có 3 điểm.
Thứ nhất là trong quá trình xây mới các công trình như kho bãi, văn phòng, địa điểm sản xuất… các doanh nghiệp cho rằng quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện nay là quá cao so với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Chủ tịch cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần làm rõ ràng là cao ở đâu và cao như thế nào?!
Thứ hai là quy định, quy chuẩn nhiều, phức tạp khiến các đơn vị, cả tư vấn dự án và tư vấn phòng cháy chữa cháy cũng không nắm rõ được hết, dẫn đến việc gửi văn bản qua lại trao đổi rất mất thời gian, tốn nhiều kinh phí. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu 2 bộ Công an – Xây dựng rà soát lại, rút ngắn thủ tục để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Một trong những hướng rút ngắn thủ tục là xã hội hóa, phân quyền cho các đơn vị đầu tư, đơn vị tư vấn phải tự chịu trách nhiệm.
Thứ ba là áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn này vào các công trình hiện hữu, bao gồm cả công trình đã thi công xong và công trình đang thi công gặp nhiều khó khăn. “Có doanh nghiệp phản ánh, thời điểm thi công được hướng dẫn quy chuẩn phòng cháy chữa cháy này, nhưng sau khi có quy chuẩn mới thì lại được yêu cầu phải áp dụng quy chuẩn mới. Điều này khiến dự án phải kéo dài thời gian đầu tư và tăng kinh phí”, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó là các văn bản hướng dẫn luật hay quy chuẩn áp dụng, trong đó có các văn bản của Bộ Xây dựng thì đều có quy định không hồi tố, có nghĩa là công trình đã được góp ý thấm duyệt PCCC theo quy chuẩn nào thì được nghiệm thu theo quy chuẩn đó, tuy nhiên nếu chủ đầu tư thấy quy chuẩn mới có lợi hơn thì xin áp dụng quy chuẩn mới.
“Những công trình hiện hữu được xây dựng vào thời điểm nào thì sẽ được thực hiện theo những quy chuẩn, tiêu chuẩn có hiệu lực thời gian đó, chứ không phải thực hiện theo quy chuẩn, tiêu chuẩn ban hành sau khi công trình xây dựng xong. Bộ trưởng Xây dựng cũng đã khẳng định tính không hồi tố này”, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cũng cho biết, Chủ tịch đã đề nghị các đơn vị đang sở hữu các công trình hiện hữu nên nâng cấp độ phòng cháy chữa cháy đến mức cao nhất có thể, để đảm bảo an toàn cho công trình của mình. Ví dụ như có thể lắp hệ thống báo cháy tự động, trang bị bình cứu hỏa… Nhưng những biện pháp này, cơ quan chức năng không có quyền áp đặt.
Trên tư cách là đơn vị bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, nếu doanh nghiệp nào có kiến nghị thì gửi văn bản lên hiệp hội, hiệp hội sẽ thay mặt doanh nghiệp đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Công an có hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc.
Giải thích rõ thêm, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng cũng cho rằng, trong thời gian qua, qua thông tin nắm bắt được cũng nhận thấy thực tế: “Doanh nghiệp khổ vì cách hiểu và cách áp dụng không đúng các quy định trong tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy”.
Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn về an toàn cháy cho nhà và công trình xây dựng, không bao gồm thiết bị máy móc, công trình nhà xưởng… lĩnh vực an toàn cháy cho thiết bị, máy móc do các bộ/ngành khác ban hành.
Quy chuẩn 06 được ban hành từ năm 2010, đến nay đã có 3 lần sửa đổi bổ sung, nhưng vẫn giữ các điểm cốt lõi.
Cụ thể, phạm vi áp dụng của quy chuẩn 06:2010 chỉ áp dụng cho công trình không có quá một tầng hầm và không cao quá 75m, vượt giới hạn trên thì cho phép áp dụng theo tiêu chuẩn của nước ngoài. Nhưng đến lần sửa đổi năm 2020 thì mở rộng phạm vi áp dụng cho 3 tầng hầm và công trình cao đến 150m… và phiên bản sau cũng vậy. Quy chuẩn luôn luôn cập nhật các tiến bộ khoa học công nghệ, cập nhật thực tiễn. Về cơ bản các quy định cốt lõi của quy chuẩn 06:2022 là phù hợp, không cao như một số thông tin phản ánh
Còn về quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy, ông Ngọc Anh cũng khẳng định: Đảm bảo nguyên tắc không hồi tố.
“Đây là tính ổn định của pháp luật. Công trình đã được góp ý hay thẩm duyệt về PCCC theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đang có hiệu lực, thì cứ thực hiện theo phiên bản đó, dù công trình đang xây dựng mà có ban hành quy chuẩn mới thì vẫn áp dụng phiên bản ở thời điểm góp ý, thẩm duyệt. Chỉ trừ một vài trường hợp đặc biệt, chứ không có câu chuyện công trình đang xây dựng phải điều chỉnh theo quy chuẩn mới”, ông Ngọc Anh khẳng định.
Thứ hai, Bộ Xây dựng chỉ ban hành tiêu chuẩn quy chuẩn phòng cháy chữa cháy, còn thực hiện thủ tục thẩm duyệt hồ thiết kế đến nghiệm thu đều là lực lượng chuyên môn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Trong quá trình thực thi, nếu có vướng mắc trong quá trình áp dụng quy chuẩn mà Bộ ban hành, Bộ Xây dựng sẽ rà soát để điều chỉnh và sẽ lấy ý kiến rộng rãi trong vòng 60 ngày, sau đó gửi Bộ Khoa học công nghệ thẩm định trước khi ban hành.
Lấy ví dụ về quy chuẩn 06:2022 được ban hành tháng 11/2022 và có hiệu lực từ tháng 16/1/2023, đã được sự nhất trí cao của các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và của Sở Xây dựng, Sở Công an các tỉnh thành. Nhưng khi thực thi vẫn có phản ánh là “vướng”.
Một vấn đề khác mà doanh nghiệp phản ánh nhiều là quy chuẩn về sơn phòng cháy chữa cháy. Ông Ngọc Anh nói rõ, trong quy chuẩn không đề cập đến sơn. Thực tế sơn là một trong những giải pháp để nâng khả năng chịu lửa của kết cấu thép trong công trình.
Trong trường hợp cháy, kết cấu thép được phủ sơn chống cháy sẽ duy trì khả năng chịu lửa được lâu hơn, cho phép có thêm thời gian để thoát nạn, di chuyển tài sản và cho phép lực lương cứu nạn cứu hộ can thiệp. Ngoài sơn, thì có nhiều vật liệu chống cháy khác có thể bọc để bảo vệ kết cấu thép mà chi phí thấp, như: thạch cao, ốp gạch, ốp bê tông nhẹ, phun vữa… không nhất thiết phải dùng sơn.
Việc dùng sơn hay vật liệu khác để nâng cao khả năng chịu lửa cho kết cấu thép là do tư vấn phòng cháy chữa cháy giúp chủ đầu tư lựa chọn, chứ không phải là do quy chuẩn, việc hiểu và áp dụng không đúng quy chuẩn dẫn đến các chi phí không đáng có, gây khó khăn cho doanh nghiệp là thực tế, cho nên các chủ công trình/cơ sở cần tìm các tổ chức, doanh nghiệp tư vấn phòng cháy chữa cháy có uy tín, có chuyên môn.
Theo Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh, công trình xây dựng phải đảm bảo 5 nguyên tắc: Thứ nhất là công trình đảm bảo hạn chế phát sinh nguồn cháy; khi cháy thì phải có cảnh báo sớm; Thứ ba, khi cháy phải đảm bảo người thoát sớm; Thứ tư chữa cháy sớm; Thứ năm là duy trì kết cấu chính của công trình đủ lâu để có thể di tản người, tài sản.
Ghi nhận những giải thích của Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh, TS Nguyễn Hồng Sơn cho biết, thực tế doanh nghiệp chỉ mong muốn 2 vấn đề. Thứ nhất là làm phòng cháy chữa cháy nhanh nhất, thứ hai là tiết kiệm nhất.
Nhưng có 2 khó khăn, thứ nhất và quan trọng nhất là chọn nhà tư vấn, thiết kế, triển khai phòng cháy chữa cháy. Có nhiều nhà tư vấn không nắm hết các quy định của phòng cháy chữa cháy, mà chủ yếu là giúp chủ đầu tư lo các thủ tục.
Từ đó sinh ra hướng dẫn chủ đầu tư áp dụng sai luật, theo hướng luật chỉ quy định 1 nhưng tư vấn lại bảo làm 10, như vậy là gây khó cho doanh nghiệp.
Để giúp các doanh nghiệp hội viên có đơn vị tư vấn tốt, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cho biết sẽ nghiên cứu để công ty của Hiệp hội bổ sung lĩnh vực kinh doanh là tư vấn phòng cháy chữa cháy.
“Từ đó, công ty sẽ hỗ trợ hội viên trong tư vấn, thiết kế phòng cháy chữa cháy”, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nói.
Chủ tịch yêu cầu văn phòng chuẩn bị các thủ tục cần thiết để bổ sung lĩnh vực kinh doanh. Đồng thời Chủ tịch đề nghị Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường của Bộ Xây dựng có các hoạt động hỗ trợ, như giới thiệu các chuyên gia trong ngành để tư vấn cho doanh nghiệp.
Góp ý tới chương trình, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI cho rằng, doanh nghiệp hoạt động là phải đảm bảo an toàn, an toàn để hoạt động.
Về công tác vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ đã được đặt ra từ cách đây 20 năm.
Việc tuyên truyền, phổ biến về vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ là hết sức cần thiết, và cần có các khóa huấn luyện cho các đối tượng khác nhau, từ ban lãnh đạo, đến trưởng chuyền, đốc công cho đến từng công nhân.
Do đó, ông Vinh đề xuất VACOD - HBA có các khóa tập huấn, bổ sung kiến thức cho các doanh nghiệp hội viên. Các khóa tập huấn này sẽ có sự tham dự của các chuyên gia của cơ quan hữu quan như Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động thương binh xã hội… và cả chuyên gia nước ngoài.
Chia sẻ về phòng cháy chữa cháy, bà Ninh Thị Ty, Phó Chủ tịch HBA, Chủ tịch Tập đoàn Hồ Gươm cho biết, công trình tòa nhà Hồ Gươm đã từng xảy ra cháy 3 lần, nhưng may mắn được hệ thống tự động chữa cháy xử lý tốt, không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Do đó, công tác phòng cháy chữa cháy là rất quan trọng. Và về phương án phòng cháy chữa cháy, thì thừa còn hơn thiếu.
Ngoài ra, trong chương trình Bữa sáng doanh nhân tuần này, Công ty may Ba Thành. Xưởng may Ba Thành được thành lập từ năm 1965 bởi ông Nguyễn Ngọc Thành, tình báo viên với bí danh Ba Thành - Thợ May có nhiệm vụ vào nằm vùng tại Nhà may Thời Đại nổi tiếng đất Sài Thành - nơi có nhiều tướng tá quân đội , quan chức của Chính quyền tới may đồ Âu phục.
Hiện nay, xưởng may Ba Thành đang phục vụ các sản phẩm dịch vụ như vest, siute, áo dài... Khách hàng đến xưởng may Ba Thành đều được những thợ may của xưởng đo tỷ mỷ các chỉ số quần áo, và đều được ghi nhớ để lần sau khách có thể gọi đặt hàng mà không cần phải qua đo lại.
Xưởng may Ba Thành hiện đang hướng đến xây dựng thương hiệu hàng may đo bằng tay, cung cấp cho những doanh nhân thành đạt, lãnh đạo nhà nước...
Một số hình ảnh khác tại chương trình: